Bản in
Techmart Việt Nam: Bước đột phá thu hút công nghệ
"Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đã và đang trở thành công cụ và giải pháp hàng đầu trong tạo lập và phát triển thị trường công nghệ ở nước ta" - ông Tạ Bá Hưng - Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN Quốc gia khẳng định.

Không những đem lại lợi ích kinh tế, Techmart còn kết nối cung-cầu và mở ra nhiều cơ hội thu hút công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nơi kết nối cung-cầu

Ba Techmart quốc gia và nhiều Techmart vùng đã thu hút hàng ngàn nhà khoa học, trường, viện nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia. Nhiều bản hợp đồng, ghi nhớ trị giá hàng trăm tỉ đồng đã được ký kết.

Qua việc giới thiệu hàng hoá tại Techmart, bên cung (nhà khoa học, viện, trường) tìm được lối ra cho sản phẩm nghiên cứu và bên cầu gặp được công nghệ, thiết bị đang cần.

Bên cạnh đó, cũng qua các chợ công nghệ và thiết bị này, bên cung cũng có điều kiện so sánh với hàng hoá cùng loại, biết được thị phần sản phẩm của mình, từ đó hiệu chỉnh lại quá trình nghiên cứu và sản xuất, tìm nguyên vật liệu, công nghệ hay hơn để thay thế nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; bên cầu cũng có điều kiện được so sánh, lựa chọn và quyết định đầu tư vào thiết bị, công nghệ nào phù hợp với năng lực, túi tiền và hướng phát triển của mình.

Ông Tạ Bá Hưng - GĐ Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia, Phó Trưởng ban thường trực Techmart.
Không chỉ như vậy, ông Tạ Bá Hưng nhấn mạnh: "Đến với Techmart, điều quan trọng với bên cầu không phải là mua thiết bị nào mà mua năng lực tạo ra giải pháp giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá sản phẩm".
 
Theo ông, đó là năng lực hỗ trợ, tư vấn,... nhằm tạo ra các giải pháp tốt nhất cho người mua. Doanh nghiệp có thể đặt hàng nhà khoa học, viện, trường các loại máy móc, thiết bị hay công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, năng lực vận hành, chiến lược kinh doanh và thị phần đang và sẽ có của họ.

Có thể nói, Techmart là nơi gặp nhau giữa ba "nhà". Nhà khoa học có dịp thẩm định sản phẩm khoa học của mình. Nhà sản xuất, kinh doanh tìm được công nghệ thích hợp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà quản lý tìm được cơ chế chính sách thích hợp nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm.

Thu hút công nghệ nước ngoài

Theo ông Hưng, với một nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường như Việt Nam, việc phát hiện ra những nhu cầu mua và xây dựng các nhu cầu bán rất quan trọng. Nhưng để thị trường công nghệ phát triển mạnh, không thể ở mãi "ao nhà". Cả bên cung và cầu đều cần công nghệ tương tự để so sánh, khẳng định vị trí sản phẩm của mình. Yếu tố nước ngoài được đặt ra như một nhu cầu chính đáng và tất yếu.

Techmart Việt Nam 2003 tại Hà Nội gần như không có yếu tố nước ngoài, nhưng năm 2005, đã có hơn 30 gian hàng của nước ngoài và năm 2007 có gần 50 gian. Techmart Việt Nam ASEAN+3 (tổ chức ngày 17-20.9.2009) sẽ nâng tầm hoạt động giao dịch công nghệ không chỉ bó hẹp trong quy mô quốc gia mà mở rộng ra khu vực.
 
Các DN trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các kỳ Techmart.

Ông Hưng cho biết, Techmart Việt Nam ASEAN+3 sẽ hướng đến gắn kết phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam với các nước ASEAN+3 (gồm các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Sự kiện này ghi dấu lần đầu tiên Techmart Việt Nam được nâng lên thành sự kiện có tính quốc tế và khu vực, được các nước ASEAN+3 chính thức coi đó là một trong những hoạt động KH&CN quan trọng của cả khối và sẽ được tổ chức thường xuyên nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững.

Đây cũng là chợ công nghệ và thiết bị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 600 đơn vị trong và ngoài nước cùng hơn 700 gian hàng. Một số hội thảo khoa học quốc tế sẽ được tổ chức trong thời gian diễn ra sự kiện với những chủ đề thời sự và chiến lược của Việt Nam, ASEAN+3 như công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm; năng lượng mới; công nghệ thông tin và truyền thông; bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các DN trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các kỳ Techmart.

Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua cho thấy, chợ công nghệ và thiết bị đang có những bước đi vững chắc, làm cơ sở để thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ ở nước ta. Không chỉ có vậy, Techmart Việt Nam ASEAN+3 diễn ra vào tháng 9 tới khẳng định thêm một điều "đã đến lúc chúng ta phải quốc tế hoá Techmart" như Giám đốc Trung tâm Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia đã nói.

Năm 2003, Techmart quy mô quốc gia lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút 450 đơn vị tham gia, 676 hợp đồng và bản ghi nhớ với giá trị trên 1.000 tỉ đồng.

Techmart 2005, tại TP.HCM, có 575 đơn vị trong và ngoài nước tham gia, 1.037 hợp đồng và bản ghi nhớ với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.

Riêng năm 2008, 5 Techmart vùng được tổ chức đã huy động 1.161 đơn vị trong và ngoài nước tham gia, giới thiệu, chào bán 4.875 công nghệ và thiết bị, 1.232 gian hàng, 939 hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết với giá trị 1.237,2 tỉ đồng.

Ngoài Techmart quy mô quốc gia, hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp tham gia hoặc phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức Techmart vùng tại hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước.

 
Nguyễn Hạnh