|
|||||
Điểm nhấn rõ nét nhất thời gian qua là Viện đã ưu tiên và tập trung xây dựng, phát triển về nguồn lực cho hướng nghiên cứu công nghệ gen, coi đó là thế mạnh của Viện và là động lực để đẩy mạnh các hướng nghiên cứu ưu tiên khác.
Theo Phó GS.TS Trương Nam Hải, đây là một công trình có tiến độ thực hiện rất nhanh và được sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí để thực hiện. Kết quả là đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất vaccine phòng chống cúm A/H1N1 cho gia cầm đạt chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Hiện nay Viện đang tiến hành các thủ tục chuyển giao cho Công ty Thuốc thú y trung ương Navetco công nghệ sản xuất vaccine này. Năm 2009, dịch cúm A/H1N1 bùng phát trên thế giới và VN. Tại các bệnh viện, nhu cầu về việc chẩn đoán nhiễm virus cúm A/H1N1 là rất cao. Trong lúc đó, số lượng sinh phẩm chẩn đoán do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp cho chúng ta lại có hạn. Trước thách thức đó, Viện đã chủ động tổ chức và đầu tư kinh phí để cán bộ trong Viện nghiên cứu xây dựng bộ sinh phẩm phát hiện virus này trong các mẫu bệnh phẩm người. Trong thời gian rất ngắn, với kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện có của phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen, các cán bộ của Viện đã thành công trong việc tạo ra bộ sinh phẩm đơn giản, rẻ tiền cho phép phát hiện nhanh và chính xác virus cúm A/H1N1. Bộ sinh phẩm này không những cho phép phát hiện virus cúm A/H1N1 đại dịch mà còn cho phép phát hiện cả virus A/H1N1 của bệnh cúm mùa. Kết quả thử nghiệm tại bệnh viện trung ương Các bệnh truyền nhiễm với 100 mẫu bệnh phẩm cho thấy bộ sinh phẩm của Viện tạo ra đạt 95% độ đặc hiệu và 94% độ nhạy so với bộ sinh phẩm của nước ngoài. Điều đặc biệt là Viện đã chủ động hoàn toàn trong việc tạo ra các thành phần quan trọng của bộ sinh phẩm như enzym phiên mã ngược và enzym sao chép ADN. Đây là những thành phần quan trọng quyết định đến giá thành và mức độ đặc hiệu của bộ sinh phẩm. Ngoài các sản phẩm được tạo ra trên nền công nghệ cao, các cán bộ nghiên cứu của Viện cũng thành công trong việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản và môi trường. Đó là việc chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón vi sinh (neo-Polyfa) từ nguồn phế thải càphê tại Tây Nguyên, công nghệ sản xuất thức ăn cho tôm (neo-Polynut), chế phẩm làm sạch môi trường tại các ao nuôi tôm (neo-Polymix), chế phẩm Biolactovin, Enterobac dùng cho người trong điều trị bệnh tiêu chảy đường ruột…
Ưu tiên đầu tư cho công nghệ hiện đại Trong năm năm tới, Viện xác định định hướng ứng dụng một cách đồng bộ cá công cụ của công nghệ sinh học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, môi trường, công nghiệp, công nghệ sinh học biển và nghiên cứu cơ bản. Trong đó, đối với nông nghiệp và thủy sản, Viện sẽ ứng dụng công nghệ nền trong công tác tạo giống cây trồng và vật nuôi (cây trồng và vật nuôi chuyển gen, các chỉ thị phân tử liên kết với các đặc tính nông sinh học ưu việt như: có năng suất, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và sức chống chịu cao đối với các điều kiện bất lợi của môi trường), phân bón vi sinh, chế phẩm vi sinh bảo vệ thực vật, vaccine, các bộ sinh phẩm phát hiện bệnh, kháng thể đơn dòng dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chất bảo quản sinh học đối với sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản, các chế phẩm sinh học sử dụng cho xử lý/chế biến nông sản và phụ phế thải nông nghiệp… Trong thời gian tới, Viện sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và ứng dụng các phương pháp và kỹ thuật hiện đại như: công nghệ gen, genomics, transcriptomics, công nghệ nano sinh học, công nghệ chế tạo và ứng dụng kháng thể đơn dòng, nghiên cứu biệt hoá tế bào gốc, các chip sinh học trên nền của các phân tử ADN và protein, mô hình và mô phòng các phân tử sinh học… Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm và biện pháp sinh học trong đánh giá chất lượng và xử lý môi trường với các nguồn ô nhiễm như rác thải, nước thải ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp, các chất hữu cơ khó phân huỷ, ô nhiễm dầu… Nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên sinh học biển thông qua các nghiên cứu các chất hoạt tính sinh học từ các nguồn sinh vật biển. “Về lâu dài, Viện sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong việc tạo ra các sản phẩm ví dụ vaccine tái tổ hợp, sinh phẩm phát hiện tác nhân gây bệnh trên cơ sở của protein kháng nguyên tái tổ hợp và kháng thể đơn dòng… sử dụng trong nông nghiệp, thuỷ sản, y tế và môi trường. Viện sẽ mở rộng hợp tác với các địa phương để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu của Viện vào thực tiễn sản xuất” - Phó GS.TS Hải nói. LĐ |