Bản in
Doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định thành công
PGS.TS Lê Tất Khương - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng- Bộ KH&CN khẳng định “ để chuyển giao thành công các tiến bộ kỹ thuật (TBKT), đặc biệt là những TBKT có hàm lượng khoa học cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị hàng hóa cao thì việc có sự tham gia của doanh nghiệp là một trong những yếu tố bảo đảm.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Lý giải về việc coi doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo thành công, theo ông Lê Tất Khương thì hiện nay doanh nghiệp có khả năng thẩm định, lựa chọn công nghệ; có vốn đầu tư, có tư cách pháp nhân huy động vốn. Bên cạnh đó, họ còn có khả năng đầu tư ngay từ nguyên liệu đầu vào như cung cấp giống, thiết bị hỗ trợ chuyển giao TBKT cho người dân nhằm tăng năng suất và chất lượng nông sản, tạo sức cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam.

Đặc biệt sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm cũng là một khâu vô cùng quan trọng mà các doanh nghiệp có thể làm rất tốt việc này. Trên thực tế đã có nhiều dự án có sự tham gia của doanh nghiệp và đã được kết quả rất khả quan.

Phó Tổng GĐ Công ty chè Sông Cầu- Tổng Công ty chè việt Nam, Nguyễn Văn Bốn- cho biết, thông qua  công ty chè Sông Cầu nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được chuyển giao thành công vào thực tiễn sản xuất. Nhiều giống chè mới như LDP1, Kim tuyên, Phúc vân tiên, TRI777 được đưa thành công vào sản xuất. Kỹ thuật giâm cành chè được áp dụng rộng rãi ở Thái nguyên, có đến gần 100%  diện tích chè trồng mới trong những năm gần đây được trồng bằng giống giâm cành.  Hàng năm Công ty chè Sông Cầu đã thu mua chế biến 500 ngàn tấn chè búp tươi, giúp điều tiết thị trường chè búp tươi ổn định, tăng thu nhập cho nông dân sản xuất chè trong vùng....

Những mặt hàng nông sản được giới thiệu tại hội nghị giới thiệu và chuyển giao TBKT cho nông dân tại Lai Châu (Ảnh: Phương Hoàn)

Còn TS Đặng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả nhận định, do nhu cầu thị trường trong nước đòi hỏi số lượng rất lớn những chủng loại hoa có chất lượng cao và những loại hoa cao cấp trong khi thị trường trong nước đang rất thiếu. Nắm bắt được cơ hội này, trong mấy năm trở lại đây một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến ngành nông nghiệp nói chung và hoa nói riêng. Một số doanh nghiệp đầu tư vào các dự án hoa có thể kể đến như: Công ty TNHH Anh Trí, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty TNHH Cửu Long,  Công ty TNHH Hoàng Lan, Công ty Cổ phần Hoa nhiệt đới…, ông cũng cho biết, trên thực tế dự án nào có doanh nghiệp tham gia thường có kết quả tốt.

Cũng trong cuộc họp tổng kết Chương trình Nông thôn miền Núi giai đoạn 2004 -2010, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình giai đoạn 2004 -2010 Hoàng Văn phong đã khẳng địn: một trong những vấn đề mấu chốt để các dự án của Chương trình thành công  cần  phải có sự tham gia càng nhiều càng tốt của các doanh nghiệp, nếu không có sự tham gia của lực lượng doanh nghiệp thì các dự án khó có thể “sống” sau khi nghiệm thu. Doanh nghiệp là người vừa có khả năng đầu tư cho dự án vừa là đối tượng thụ tưởng và nhân rộng những sản phẩm của dự án.

Cần chính sách hỗ trợ thỏa đáng

Với vai trò vừa là người quản lý vừa là doanh nghiệp TS. Đặng Văn Đông chia sẻ, mặc dù ngành hoa mấy năm trở lại đây có nhiều kết quả đáng khích lệ, song vai trò của Nhà nước và các Nhà khoa học  đối với phát triển ngành hoa vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục bởi sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều, do vậy ngành hoa chưa nhận được nhiều sự tâm huyết của các nhà khoa học. Đặc biệt, Nhà nước chưa có chính sách riêng đối với sự phát triển của ngành kinh doanh hoa, cây cảnh.

Ông Thân Dỹ Nữ, GĐ Công ty TNHH Hiệp Thành cho rằng, trước hết phải đổi mới cơ chế hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo hướng hình thành cơ chế đặc thù cho chuyển giao công nghệ của ngành sản xuất nông nghiệp; Xây dựng các định hướng chuyển giao công nghệ nông nghiệp trọng điểm; xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển giao công nghệ nông nghiệp (các khu nông nghiệp công nghệ cao, trạm ươm tạo và thử nghiệm công nghệ mới,…).

Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu cần phát triển công tác tư vấn xây dựng chiến lược KH&CN, cũng như đào tạo đội ngũ làm khoa học đến doanh nghiệp. Mỗi dự án của doanh nghiệp cần được xây dựng trong tầm nhìn tổng thể về chiến lược KH&CN của doanh nghiệp đó.

Đặc biệt, cần nghiên cứu những chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Coi doanh nghiệp là một thành phần quan trọng. Từ đó xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cần có để các doanh nghiệp làm tốt công tác chuyển giao cho nông dân, bao gồm phát triển bộ phận chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác chuyển giao và tạo điều kiện tiếp cận các thông tin về chuyển giao công nghệ…, rút ngắn được quá trình tìm hiểu thị trường, tìm nguồn cung, cầu công nghệ cũng như sản phẩm công nghệ cao để KH&CN ngày càng có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hoàng Anh