Bản in
Dự án thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID: Cơ hội làm chủ công nghệ lõi
Dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế mạch (ICDREC) làm chủ nhiệm đề tài, được Bộ KH-CN phê duyệt đầu tư và ủy quyền cho ĐH Quốc gia TPHCM làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 145,756 tỷ đồng vừa được công bố vào cuối tuần qua tại TPHCM. Tại đây, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân khẳng định, chúng ta phải có được hệ thống các công nghệ nền tảng, tự làm chủ từ nghiên cứu thiết kế đến chế tạo…

Dự án lớn nhất 50 năm qua

Có ý kiến cho rằng không nên ủng hộ dự án vốn đã lạc hậu so với sự phát triển công nghệ chip của thế giới, nhưng Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân khẳng định, chúng ta phải có hệ thống các công nghệ nền tảng, chúng ta phải tự làm chủ từ nghiên cứu thiết kế đến chế tạo. Thực tế có những nghiên cứu cơ bản phải bỏ ngăn kéo nhưng những nghiên cứu thấy rõ định hướng ứng dụng, thấy rõ tương lai ứng dụng, từ khâu sản xuất đến đặt hàng sản phẩm nên phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Cần phải khẳng định rằng làm chủ được công nghệ lõi mới rút ngắn được khoảng cách tụt hậu.

Dự án trên có tổng kinh phí đầu tư 145,756 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ ngân sách Bộ KH-CN và 20,931 tỷ đồng được đầu tư từ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, đây là dự án có kinh phí lớn nhất trong 50 năm qua do Bộ KH-CN đầu tư. Dự án được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN 1632) và các lõi IP có liên quan, từ đó tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng chip RFID. Sau khi kết thúc dự án CNS và ICDREC sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, với sự tiên phong trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip của ĐHQG đồng thời với sự ủng hộ lớn về mặt chủ trương của Chính phủ về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, hy vọng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ làm chủ được những công nghệ vi mạch mà lâu nay chúng ta phụ thuộc vào thế giới.

Cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, các đơn vị tiên phong ứng dụng, Việt Nam cũng sẽ xây dựng nhà máy chuyên thiết kế và sản xuất các sản phẩm thuộc ngành công nghệ vi mạch tránh tình trạng lãng phí các công trình khoa học của các nhà nghiên cứu.

Từng bước xây dựng

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, các sản phẩm của dự án sẽ có tính ứng dụng rất lớn đối với nhiều đối tượng sử dụng tại Việt Nam. Một sản phẩm quốc gia đầu tiên ra đời sẽ là tiền đề để các dự án lớn về KH-CN được tiếp tục triển khai trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, sản phẩm cũng khẳng định sự gắn kết và nghiên cứu đào tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch của nhiều đơn vị khác nhau, đặc biệt là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, đơn vị tiên phong ứng dụng và đầu tư cho ngành công nghiệp mới mẻ này. Các sản phẩm khi hoàn thành có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: dùng trong quản lý giao thông, quản lý kho hàng, an ninh quốc phòng, XNK hàng hóa, quản lý an toàn thực phẩm… đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng với yêu cầu bảo mật cao.

Để huy động thêm nguồn lực, dự án cũng có sự hợp tác của nhiều trường đại học thuộc khối ĐHQG và chuyên ngành như Học viện kỹ thuật quân sự, Bưu chính Viễn thông… Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình nhấn mạnh, sự tham gia của các trường đại học rất quan trọng, sự liên kết này tạo thêm sức mạnh để đưa những nghiên cứu thành sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Trong dự án này cũng thấy rõ quyết tâm tham gia của doanh nghiệp, minh chứng là Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã đầu tư 20,931 tỷ đồng, số tiền đầu tư này được sử dụng cho quá trình sản xuất thử sản phẩm.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Nguyễn Văn Thọ cho biết, đây là dự án mà tổng công ty đã theo đuổi trong 5 năm qua, từ lúc tóc ông còn vài sợi đen đến khi chỉ toàn tóc trắng như hiện nay. Ông Thọ cũng bày tỏ hy vọng, khi dự án này đi vào giai đoạn sản xuất thì những sản phẩm này sẽ được sản xuất ngay tại nhà máy do chính tổng công ty xây dựng. “Khi đó ta làm chủ được tất cả các khâu từ nghiên cứu thiết kế đến sản xuất, mở ra nhiều nút thắt cho những sản phẩm tiếp theo sau này” - ông Thọ nhấn mạnh.

Qua đây có thể khẳng định, dù Việt Nam đi sau thế giới trong lĩnh vực chip nhưng với sự ra đời của dự án, chúng ta đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp non trẻ này, là tiền đề cho các dự án lớn hơn về công nghiệp vi mạch sau này. Đây là một trong những đột phá lớn trong hoạt động về KH-CN của Việt Nam, từ đây sẽ cho ra đời những sản phẩm mang 100% thương hiệu “Made in Viet Nam” hết sức cần thiết.