Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về tương lai trồng đại trà thực vật biến đổi gene ở Việt Nam do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức sáng 5/10.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, hiện thế giới vẫn phân chia thành hai trường phái đối lập về cây biến đổi gen (gen (Genetically Modified Crop - GMC). Theo đó, Mỹ, Canada và các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á ủng hộ việc sử dụng GMC. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra thận trọng trong việc cấp phép gieo trồng GMC và trao đổi thực phẩm có nguồn gốc từ GMC trên thị trường. Đa số nước thành viên trong EU không nhập thực phẩm biến đổi gene từ bên ngoài.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng không phủ nhận vai trò tích cực của GMC trong việc lai tạo các giống mới cho năng suất chất lượng cao, đặc biệt trong bối cảnh lương thực đang ngày càng khan hiếm. Nhận thức rõ, cây biến đổi gen vừa là cơ hội vừa là thách thức nên Việt Nam đã hết sức thận trọng trong việc khảo cứu, trồng thử nghiệm loại cây này trước khi nhân đại trà. Bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 2006 với cây biến đổi gen đầu tiên là cây ngô, đến nay, các kết quả thu được rất khả quan.
Chính vì vậy, cuộc hội thảo này đã được tổ chức nhằm bắt đầu thảo luận về tương lai trồng đại trà thực vật biến đổi gene ở Việt Nam, cũng như các tác động tốt và xấu của nó tới đời sống, kinh tế và sức khỏe con người. Tham gia hội thảo có đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Bộ NN&PTNT cũng đại diện các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.
Và nếu như không có gì thay đổi, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức cho nhân rộng ngô biến đổi gen.
M.C
|