Dự án vệ tinh VINASAT-2 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và tiếp tục giao cho VNPT làm chủ đầu tư.
Sau thành công của Dự án phóng vệ tinh VINASAT-1, tháng 12/2009, Dự án vệ tinh VINASAT-2 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và tiếp tục giao cho VNPT làm chủ đầu tư.
Được biết, vệ tinh VINASAT-2 có cùng nhà sản xuất là hãng Lockheed Martin (Mỹ), tên lửa phóng là Ariane (Pháp). Tuy nhiên, nếu so với VINASAT-1 thì vệ tinh VINASAT-2 có một số điểm khác biệt, đó là có tuổi thọ khoảng 15 năm, chủ yếu chỉ hoạt động ở băng tần Ku, dung lượng khai thác là 24 bộ phát đáp 36 Mhz (Vinasat-1 có 20 bộ phát đáp), vùng phủ sóng băng Ku rộng hơn (toàn bộ khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận) với các chỉ tiêu kỹ thuật dự kiến sẽ cao hơn vệ tinh VINASAT-1. Ứng dụng chủ yếu cho triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền (DTH) và mạng VSAT chuyên dụng.
Việc thiết kế chi tiết Vinasat 2 đã hoàn tất vào ngày 15/3/2011 và đến ngày 15/7/2011, nhà thầu đã bắt đầu tổ hợp, lắp ráp vệ tinh. Quá trình đo thử hệ thống được thực hiện từ tháng 9/2011 và hoàn tất vào tháng 2/2012 để chính thức phóng vào tháng 5/2012. Mức đầu tư cho Vinasat 2 vào khoảng 290 – 350 triệu USD.
Trước đó, ngày 19/4, VINASAT-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo vào ngày 19/4/2008. Bên cạnh việc đảm bảo lợi ích quốc gia về chính trị, an ninh, quốc phòng, VINASAT-1 còn mang một ý nghĩa đặc biệt về kinh tế - xã hội. Sau hơn 3 năm VINASAT-1 đi vào khai thác và sử dụng, từng ngày, từng giờ, có chục triệu người dân Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ dự án này. Nhờ VINASAT-1, mỗi năm Nhà nước và doanh nghiệp tiết kiệm được hàng triệu đô vì không còn phải thuê vệ tinh của nước ngoài và chủ động trong việc cải thiện chất lượng cũng như mở rộng các loại dịch vụ mới phục vụ cho khách hàng trong và ngoài nước.
Nhờ VINASAT-1, sóng điện thoại cũng đã phủ đến nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo của đất nước; nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình và rút ngắn khoảng cách thông tin liên lạc giữa các vùng miền. Và đặc biệt, VINASAT-1 còn là một trong những công cụ trợ giúp đắc lực để Việt Nam thực hiện đề án về chiến lược biển đến năm 2020 với trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Đặc điểm của thông tin vệ tinh VSAT là có thể triển khai nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào khoảng cách, vị trí địa hình nên rất phù hợp trong việc thiết lập các kênh thông tin phục vụ các yêu cầu tác chiến trên biển, biên giới, hải đảo.
|
M.C
|