Xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lâu nay được người dân nơi đây gọi với cái tên vùng đất “trời đánh”. Ông Phan Văn Sáu, chủ tịch xã cho biết, chưa bao giờ Bình Quý lại xảy ra sét đánh nhiều như những năm gần đây.
Vùng đất trời đánh
Thống kê cho thấy, cứ vào tháng 3 đến cuối tháng 8 âm lịch háng năm là thời điểm sét hoành hành nhiều nhất. Trong vòng 3 năm trở lại đây, cả xã đã có gần 20 người chết vì sét đánh. Chỉ tính riêng năm 2009, sét đánh liên tục 4 vụ tại tổ 12, thôn Quý Hương làm chết tại chỗ 1 người. Gần đây nhất, tháng 6/2011, đã có 2 vụ sét đánh nhưng may mắn không chết người nhưng làm cháy một ruộng bạc hà.
Ông Nguyễn Dũ, tổ 3, thôn Quý Dương, xã Bình Quý, người có vợ bị chết trong một vụ sét đánh và bản thân thoát chết, kể lại “Những ngày đầu, từ tay trái sang ngực đến tay phải của tôi tím đen như mực, cánh tay không làm sao nhấc lên được, toàn thân ê ẩm. Mãi sau này những vết đen đó mới hết”. Sau khi bị sét đánh, ông Dũ đã được bà con đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Quảng Nam và phải hai tháng sau mới hoàn toàn bình phục.
Còn anh Nguyễn Văn Thành, tổ 4, thôn Quý Thạch, người chứng kiến mẹ mình thoát chết do sét đánh kể lại: “Sét xảy ra trong tích tắc nên không thể phản ứng kịp. Cảm giác như bom bi bắn phá ngày trước vậy, nó bắn vào ai người nấy phải chịu. Mẹ tôi khi bị sét đánh thì toàn bộ quần áo cháy đen, người cũng tím bầm, may mà cấp cứu kịp nên cũng thoát chết”.
Đáng chú ý, thường sét chỉ đánh vào khu vực đồng ruộng vắng nhưng ở đây, khu vực dân cư đông đúc cũng không nằm ngoài sự oanh tạc của sét.
|
Ông Nguyễn Dũ kể lại chuyện thoát chết trong một vụ sét đánh (Ảnh: Liên Cơ) |
Dự báo sét trước nửa giờ
Trước tình hình sét ngày càng gia tăng trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ KH-CN đề nghị hỗ trợ tìm giải pháp công nghệ giúp người dân. Bộ KH-CN đã giao nhiệm vụ này cho Viện Vật lý địa cầu mà đứng đầu là TS Nguyễn Xuân Anh, phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài được thực hiện trong 2 năm, bắt đầu từ năm 2010 và đến nay đã có những dấu hiệu rất tích cực.
Các nhà khoa học đã tiến hành quan trắc và đo tần suất, đặc điểm xuất hiện sét tại khu vực. Viện Vật lý địa cầu kết hợp cùng Sở KH-CN Quảng Nam đã lắp đặt thiết bị đếm số lần phóng điện trong mây, mây - mây và mây - đất với các bán kính hoạt động khác nhau, độ chính xác khá lớn và thiết bị đo cường độ điện trường. Kết hợp các thiết bị này với ra đa thời tiết, có thể tiến hành dự báo sét trước thời gian xảy ra sét khoảng 30 phút. Từ đó, đài phát thanh xã sẽ kịp thời báo cho người dân biết để trú ẩn.
Tuy nhiên, TS Xuân Anh nhấn mạnh, bên cạnh công nghệ dự báo, người dân những vùng có sét hoạt động mạnh cần phải được cung cấp các kiến thức phòng tránh, ví dụ những dấu hiệu xuất hiện sét, cách tránh sét, cấp cứu người bị sét đánh như thế nào... Cùng với đó, người dân cần trang bị kiến thức về kiến trúc xây dựng, vật liệu làm nhà như là một yếu tố góp phần chống sét. Nếu nắm vững được những kiến thức này, thiệt hại do sét gây ra sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu cũng đang xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm giảm thiểu tác hại của sét đến người dân như làm tờ rơi, trình diễn mô hình tại khu dân cư với cách dễ làm, dễ hiểu để bà con có thể tiếp thu và thực hiện được ngay.
|