Với một lượng chất thải khổng lồ của Việt Nam hiện nay thì công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng (Waste to Energy – WtE) là hoàn toàn khả thi – theo ông Ekkehart Gartner, Phó Chủ tịch cao cấp của công ty Martin (Đức) tại hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng WtE và khả năng triển khai tại Việt Nam” do Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp cùng Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
|
Rác thải gây ô nhiễm môi trường - một nguyên nhân làm biến đổi khí hậu. (Ảnh: Thúy Hồng)
|
Quá tải rác thải
Khối lượng chất thải công nghiệp phát sinh lớn nhất tại TP.HCM (900-1.200 tấn/ngày, trong đó có 350-580 tấn chất thải nguy hại), Hà Nội phát sinh khoảng 70-100 tấn/ngày và Đà Nẵng khoảng 20-30 tấn/ngày. Khối lượng chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại có thể cháy được chiếm 50-70% khối lượng chất thải.
|
Ông Gartner dẫn ví dụ, một nhà máy ở Monaco. Nhà máy này được đặt ở trung tâm thành phố, nhưng không ai phàn nàn gì về chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, ngoài chi phí bỏ ra để đầu tư nhà máy thì cũng đã thu được những nguồn lợi lớn từ việc bán chứng chỉ CO2, bán năng lượng thu được từ rác, tiền thu của người dân để xử lý rác thải.... Hiện Martin có nhà máy tại 31 nước trên thế giới, thị phần quốc tế các nhà máy WtE sử dụng hệ thống của Martin là 33%.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trung Việt, trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã cân nhắc tình hình ở Việt Nam: “Chúng ta bàn đến vấn đề xử lý rác, nhưng chưa tính được chính xác cần đốt bao nhiêu lượng rác trong 1 năm.
Hiện số lượng chất thải nguy hại có thể cháy được ở TP.HCM khoảng 6-8 tấn/ngày, số lượng này sẽ không đủ công suất cho một nhà máy đốt chất thải tái tạo năng lượng”. Theo ông, nên tính toán áp dụng đốt cả chất thải đô thị, bởi thực tế, giá thành xử lý rác thải ở TP.HCM rất lớn.
Giá xử lý chất thải ở Singapore là 34 đô la Singapore (SGD)/tấn, ở TP.HCM, giá thấp nhất là 100 SGD. Ông dẫn chứng, để xử lý một tấn, đèn neon mất 42 triệu đồng (gần 2.600SGD), giẻ lau dầu cũng mất 9 triệu đồng (hơn 500SGD), trong khi công nghệ xử lý của TP.HCM rất thô sơ.
Chia sẻ băn khoăn của TS. Việt, đại diện Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho biết, lượng rác thải do các bệnh viện thải ra khoảng 40,5 tấn/ngày. Dự kiến tới năm 2015 - 2020, con số này khoảng 70-90 tấn /ngày. Nếu khối lượng rác khổng lồ đó không được xử lý đúng chuẩn, đó sẽ là ẩn họa khó lường cho cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Huy Nga kỳ vọng, các bệnh viện sẽ có khả năng thuê dịch vụ xử lý rác thải.
|
Nhà máy xủ lý rác thải của Đức (Ảnh: Ekkehart Gartner) |
Công nghệ nào cho Việt Nam
GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật - VACNE cho rằng: "Cần khuyến khích sử dụng công nghệ WtE, nhưng chôn rác theo phương pháp thủ công rẻ hơn nhiều, vì vậy, chỉ nên thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM”. Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với công nghệ đốt rác thải tạo năng lượng là giá thành, đòi hòi đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao, đặc biệt khi so sánh với biện pháp chôn lấp hiện nay.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đồng cảm với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào vấn đề xử lý chất thải ở Việt Nam, nhưng theo ông: "Rào cản lớn nhất cho các công nghệ xử lý chất thải triệt để, tiên tiến ở Việt Nam là chi phí đầu tư. Lựa chọn công nghệ nào phù hợp là của chính quyền địa phương và nhà đầu tư. Việc xã hội hóa này không nằm ngoài yêu cầu của Nhà nước và vai trò của các nhà đầu tư”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất, các nhà đầu tư lớn nên mạnh dạn đầu tư cho những công nghệ bền vững với môi trường và nên có những nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề xử lý rác thải, ít nhất tại Hà Nội và TP.HCM. Cần có những diễn đàn tiếp theo, để các nhà khoa học, nhà đầu tư và người quan tâm tin tưởng hơn về công nghệ, tìm được tiếng nói chung.
Mai Hà
|