Ðể thực hiện ý tưởng, PGS Võ Chí Chính đăng ký đề tài trọng điểm cấp bộ vào năm 2008 và được Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt, cấp kinh phí triển khai nghiên cứu đề tài. Sau hai năm nghiên cứu lý thuyết và thử nghiệm, hệ thống thiết bị có công suất sản xuất 200 kg đá/ngày tại thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), bằng cách tận dụng nguồn nước rửa xe ô-tô dọc quốc lộ 1A, được thác từ nguồn nước ngầm trên núi đã chạy thử thành công. Kết quả nghiên cứu đã thành công ngoài mong đợi, khi thiết bị chạy thử chỉ sau thời gian khoảng năm giờ đồng hồ, cho ra mẻ nước đá đầu tiên gần 200 kg, trong sự vui mừng, ngạc nhiên của người dân địa phương.
Theo nguyên lý, sản xuất nước đá bình thường phải dùng nguồn điện để chạy mô-tơ dẫn động máy nén lạnh làm việc và phải tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, chiếm khoảng 70% giá thành của cây nước đá thành phẩm. Với hệ thống sản xuất nước đá mới này, thì động cơ điện được thay thế bằng guồng chạy sử dụng sức nước. Guồng sẽ quay máy nén lạnh và đẩy môi chất lạnh tuần hoàn trong hệ thống kín và thực hiện quá trình làm lạnh bể nước muối đạt âm 10 độ C (nước muối không đóng băng sẽ là môi trường trung gian dẫn lạnh từ môi chất và làm nước trong khuôn đông đá). Theo tính toán của PGS Võ Chí Chính, toàn bộ chi phí cho sản xuất nước đá bình thường hiện nay là 150 nghìn đồng/tấn. Khi sản xuất nước đá theo hệ thống thiết bị mới này, không có phần tiêu thụ điện năng, nên chi phí giảm chỉ còn 50 nghìn đồng/tấn. Ðây là lần đầu có người nghiên cứu thành công ý tưởng làm nước đá bằng sức nước, không dùng điện ở Việt Nam.
Hiện nay 'Dự án đầu tư sản xuất nước đá cây sử dụng năng lượng thác nước' được một số đơn vị quan tâm đầu tư kinh phí, tìm địa điểm để triển khai. Trong đó, dự kiến sẽ đầu tư sản xuất tại Khu du lịch Suối Hoa, thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (TP Ðà Nẵng), với thiết bị có công suất 400 kg đá/ngày để phục vụ khách du lịch và nhân dân trong vùng và đầu tư một trạm sản xuất nước đá cây ở thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), có công suất khoảng ba tấn đá/ngày. Do thiết bị đơn giản, chỗ đặt chỉ cần dòng suối nhỏ, nguồn nước ngầm trên đỉnh núi vùng ở hẻo lánh, nơi không có điện lưới quốc gia có thể áp dụng dễ dàng. Khi đề tài được triển khai nhân rộng, sẽ cung cấp nước đá sinh hoạt cho người dân, bảo quản thuốc, rau, quả, thực phẩm, góp một phần nâng cao đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa.
|