Bản in
Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn làm nên cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam
Hội thảo về ứng dụng công nghệ 4.0 đã tập trung vào việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, với trọng tâm là các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) và Internet vạn vật (IoT). Các chuyên gia hàng đầu đã chia sẻ những nghiên cứu và ứng dụng mới nhất, đồng thời đưa ra những định hướng chiến lược để phát triển và ứng dụng các công nghệ này vào nhiều lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế.

Nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt

Ngày 22/11/2024, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã diễn ra Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong một số lĩnh vực chủ chốt và định hướng giai đoạn đến năm 2030”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, và lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0/19-30 đã báo cáo tổng quan về chương trình nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, đồng thời giới thiệu định hướng phát triển của chương trình trong giai đoạn tới năm 2030. Chương trình KC 4.0/19-30 đặt mục tiêu làm chủ, phát triển và chuyển giao các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, bao gồm AI, blockchain, BigData, IoT, và nhiều công nghệ khác. Đồng thời, chương trình cũng nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0/19-30.

Mục tiêu của chương trình là nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực trọng điểm như y tế, nông nghiệp, giáo dục, tài chính - ngân hàng, và nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác. Cùng với đó, chương trình cũng sẽ hỗ trợ đổi mới mô hình quản trị và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số. Chương trình đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra cơ chế chính sách, tiêu chuẩn và công cụ phân tích, đánh giá, tạo thuận lợi cho việc tham gia CMCN 4.0 và phòng ngừa tác động tiêu cực đến xã hội và con người Việt Nam.

Theo báo cáo, các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 sẽ bao gồm: AI, BigData, IoT, robot tự hành, mạng di động thế hệ thứ 5 (5G), điện toán đám mây, và blockchain. Những công nghệ này sẽ được ứng dụng trong các lĩnh vực thiết yếu như y tế, du lịch, tài chính, nông nghiệp, sản xuất chế tạo, giáo dục, giao thông, và quốc phòng. Ngoài ra, chương trình còn tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng số làm nền tảng phục vụ cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0. Điều này sẽ tạo ra những nền tảng vững chắc để hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức trong việc chuyển đổi số và cải thiện năng suất lao động.

Sản phẩm dự kiến của chương trình sẽ bao gồm các giải pháp nghiên cứu, phát triển, làm chủ và chuyển giao công nghệ từ các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Chương trình cũng định hướng xây dựng mô hình điều hành, quản trị, sản xuất - kinh doanh cho các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là những ngành có tiềm năng ứng dụng công nghệ 4.0.

Ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong nhiều lĩnh vực quan trọng

Cũng tại Hội thảo, một số báo cáo đáng chú ý đã được trình bày, phản ánh sự đa dạng và tiềm năng ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã chia sẻ về nghiên cứu ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư phổi qua phân tích ảnh CT lồng ngực, ảnh nội soi phế quản ống mềm và ảnh mô bệnh học. Nghiên cứu này không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh lý nguy hiểm mà còn mở ra triển vọng lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Cùng với đó, TS. Trần Thanh Tâm từ Trường Đại học Điện lực đã giới thiệu hệ thống kiểm tra giám sát tình trạng vận hành và cảnh báo sớm sự cố của các thiết bị và đường dây tải điện 110kV, ứng dụng AI và BigData. Hệ thống này góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã trình bày nghiên cứu phát triển tổ hợp công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 trong lĩnh vực Logistics. Các giải pháp này sẽ cải tiến quy trình logistics, giúp ngành vận tải và phân phối hàng hóa phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển.

Các đại biểu báo cáo tại Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC 4.0/19-30, nhấn mạnh rằng, chương trình này nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ CMCN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đây là một cơ hội lớn để các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó giải quyết hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội. Ông kêu gọi các nhóm nghiên cứu tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đồng thời tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu, kinh nghiệm để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung của chương trình.

Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng sức mạnh của CMCN 4.0. Với những định hướng rõ ràng và các nhiệm vụ cụ thể, chương trình KC 4.0/19-30 hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam trong những năm tới.

Bài, ảnh: Phan Hoàn