|
|||
Tăng lợi nhuận Giống gà Tai đỏ tại Việt Nam, có nguồn gốc từ gà rừng đã được nghiên cứu và thuần dưỡng trong những năm gần đây. Hiện gà Tai đỏ được phân bố tại một số tỉnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Gà Tai đỏ có sức đề kháng tốt, bộ lông đẹp, thịt ngọt, thơm, mềm, được thị trường ưa chuộng. Đây là nguồn gen vật nuôi quý, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất không ổn định, chất lượng gà sinh sản còn hạn chế. Để chọn lọc giống, xây dựng được các định mức kinh tế kỹ thuật về thức ăn thú y, phòng chống dịch bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất gà Tai đỏ, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt triển khai Dự án “Hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà Tai đỏ” thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Đàn gà Tai đỏ trước khi được chọn lọc có các chỉ tiêu kỹ thuật đạt thấp như năng suất trứng/mái/năm đạt 25-27 quả; tỷ lệ trứng có phôi đạt 75-80%; tỷ lệ nở/trứng có phôi đạt 90-95%. Sau ba năm triển khai (2020-2023), Dự án đã đưa ra các giải pháp khoa học để phát triển chăn nuôi gà bản địa nói chung và gà Tai đỏ nói riêng như chọn lọc, xây dựng đàn gà Tai đỏ hạt nhân, sản xuất hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà Tai đỏ sinh sản và thương phẩm. BSTY. Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật, Chủ nhiệm Dự án cho biết, Trung tâm đã xây dựng được quy trình chọn lọc, ổn định đàn hạt nhân gà Tai đỏ; xây dựng được quy trình chăn nuôi đàn sinh sản và đàn thương phẩm; xây dựng quy trình thú y phòng bệnh cho đàn sinh sản và đàn thương phẩm. Đồng thời, Trung tâm đã xây dựng được tập đoàn giống gốc thuần trên 300 mái. Đối với đàn gà sản xuất xây dựng được hai mô hình ở Thanh Hóa và Ninh Bình với quy mô 1000 mái, xây dựng 4 mô hình đàn thương phẩm với quy mô 2000/con/năm. Dự án đã xây dựng được đàn hạt nhân gà Tai đỏ thuần để sản xuất con giống cung cấp cho người chăn nuôi tại khu vực vườn Quốc gia Cúc Phương và các tỉnh phụ cận, thông qua đó sẽ bảo tồn lâu dài và phát triển bền vững nguồn gen gà Tai đỏ. Kết quả nghiên cứu sau chọn lọc cho thấy năng suất trứng/mái/năm tăng từ 1,16-3,74; tỷ lệ trứng có phôi tăng từ 6,04-11,39% so với đàn gà trước khi chọn lọc. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế lãi 39,29 triệu đồng so với đàn nuôi đại trà trong nông hộ. Các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu không phải đầu tư cho nghiên cứu cơ bản nhưng lại được thừa hưởng lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Vì vậy lợi nhuận thu được trong sản xuất kinh doanh sẽ nhiều hơn và đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Việc chuyển giao các giống gà đặc sản có chất lượng cao cùng với các quy trình công nghệ tiên tiến và phù hợp giúp tăng năng suất lên 3-5%, hiệu quả kinh tế tăng 5-7%, tác động tốt đến xã hội và môi trường, phục vụ tái cơ cấu chăn nuôi tại các địa phương. Số lượng sản phẩm chuyển giao ra sản xuất sau dự án sẽ sử dụng thêm nhiều lao động dôi dư. Dự án đã tạo ra được 300 mái gà Tai đỏ hạt nhân, hàng năm sẽ tạo ra được khoảng 6750 gà sản xuất và khoảng 70.875 gà thương phẩm. Theo kết quả từ các mô hình thuộc dự án, lợi nhuận/mái sản xuất khoảng 500.000 đồng và lợi nhuận/1000 gà thương phẩm xuất chuồng khoảng 56-88 triệu đồng. Như vậy, hàng năm dự án có thể mang lợi nhuận khoảng 3,37 tỷ đồng đối với gà sinh sản và khoảng 3,26-4,04 tỷ đồng đối với gà thương phẩm. Nhân rộng mô hình Ứng dụng KH&CN xây dựng quy trình nuôi gà Tai đỏ và tạo đàn gà hạt nhân thuần để sản xuất con giống cung cấp cho người chăn nuôi tại Vườn quốc gia Cúc Phương và các tỉnh phụ cận đã góp phần bảo tồn phát triển bền vững nguồn gen gà Tai đỏ. Để có được thành công như trên, việc ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen cũng như vai trò của các bên liên quan có ý nghĩa quan trọng. Theo BSTY. Hoàng Xuân Thủy, Bộ KH&CN có vai trò quan trọng trong dẫn dắt Chương trình quỹ gen quốc gia, thông qua điều tra, đánh giá hiện trạng, bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen quý. Cùng với đó là vai trò phối hợp của các đơn vị với chức năng tương đương cùng đồng hành trong bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen quý, hiếm.
BSTY. Hoàng Xuân Thủy chia sẻ về kết quả Dự án. Với năng suất và chất lượng con giống cao được tạo ra từ Dự án sẽ làm tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, thúc đẩy mở rộng chăn nuôi, thu hút nguồn nhân lực lao động tham gia vào lĩnh vực, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động. Đồng thời tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu về thực phẩm có chất lượng cao và an toàn cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Dự án đã tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về nguồn thực phẩm sạch. Kết quả nghiên cứu của Dự án có tác động tích cực đến sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của người dân, làm thay đổi cách nghĩ nếp làm, hạn chế nạn chặt phá rừng, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Bài, ảnh: Lê Chi |