|
|||
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030, trong đó có các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế, trọng tâm là 4 chương trình quốc gia: "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe” (Mã số KC.10/2021-2030); "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm” (Mã số KC.11/2021-2030) và "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học” (Mã số KC.12/2021-2030; “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”. Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Trần Hồng Thái khẳng định vai trò quan trọng về chuyên môn của các Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh, Ban chủ nhiệm các chương trình KH&CN cấp quốc gia không chỉ tổ chức triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, mà cần chủ động phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN (trực tiếp là các thông tư quản lý nhiệm vụ, quản lý tài chính) và tổng hợp, gửi các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN. Qua đó, giúp Bộ KH&CN hoàn thiện pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi họp.
Tại buổi họp, các nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ về định hướng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm, công nghệ sinh học; giới thiệu các văn bản pháp lý, chính sách điều hành, quản lý đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và giới thiệu 4 khung chương trình: KC.10/21-30, KC.11/21-30, KC.12/21-30 và Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.
Toàn cảnh cuộc họp.
GS.TS. Tạ Thành Văn, chủ nhiệm Chương trình KC.10/2021-2030 chia sẻ vấn đề đánh giá thử nghiệm lâm sàng, đánh giá của hội đồng y đức. Theo GS. Tạ Thành Văn, đối với một sản phẩm khoa học cấp quốc gia, không có kinh phí cho hoạt động thử nghiệm. Vì vậy, các nhà khoa học đề nghị cần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề thử nghiệm lâm sàng các kết quả nghiên cứu chương trình KC thuộc lĩnh vực y tế. Đồng thời làm rõ lợi ích của các bên trong quá trình hợp tác nghiên cứu, chia sẻ bản quyền với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài khi triển khai đề tài trong lĩnh vực y dược.
Đại diện Ban chủ nhiệm chương trình KC.11/2021-2030, PGS.TSKH. Nguyễn Minh Khởi cho biết, Ban chủ nhiệm luôn theo dõi, cập nhật những thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về đăng ký thuốc, đăng ký nguyên liệu làm thuốc, để kết quả của các đề tài đăng ký được thuốc. Đồng thời, đưa ra những tiêu chí đánh giá khi triển khai ứng dụng, với sự tham gia của các doanh nghiệp.
GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 chỉ ra rằng, việc hợp tác liên kết còn yếu, nhất là hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, giữa viện - trường - doanh nghiệp, thiếu vắng đầu tư của doanh nghiệp, thiếu cán bộ đầu ngành. Sự tham gia của doanh nghiệp vẫn chủ yếu tập trung tận dụng nguồn lực của các chương trình KH&CN, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn luôn là vấn đề lớn của các nhiệm vụ KH&CN khi kêu gọi hợp tác với doanh nghiệp.
Đại diện Bộ Y tế đề xuất một số nhiệm vụ trọng điểm cấp nhà nước thuộc Bộ Y tế, phối hợp các Ban chủ nhiệm chương trình trong việc theo dõi, thẩm định, phê duyệt, triển khai và giám sát nhằm tạo điều kiện tối đa rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, ứng dụng các kết quả vào thực tế.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển giao các tiến bộ KH&CN, đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, các nguồn lực cho KH&CN còn thiếu và yếu, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN còn khó khăn, bất cập, chất lượng triển khai một số nhiệm vụ KH&CN chưa cao.
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với Ban chủ nhiệm các chương trình KC trong việc hỗ trợ, hướng dẫn Ban chủ nhiệm tổ chức triển khai hiệu quả chương trình KH&CN cấp quốc gia trong giai đoạn tới. Các đơn vị cần lưu ý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, điều phối các nhiệm vụ KH&CN trong từng chương trình nhằm bảo đảm không trùng lắp về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế để các chương trình có thể thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu.
Tin, ảnh: Kim Bách |