|
|||
Đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN, ĐHQGTP.HCM… khởi động trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030”.
Ngày 29/12/2023, tại ĐHQGTP.HCM diễn ra Hội nghị Khoa học quốc tế “Khoa học trái đất, mỏ, môi trường phục vụ chuyển đổi số, phát triển xanh, tuần hoàn và ứng phó các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu” và Khởi động chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL giai đoạn đến năm 2030” (KC15/21-30) - chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 2 do Bộ KH&CN ký quyết định ban hành.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu là những khái niệm lớn trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tổ chức Hội nghị này rất phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG TP.HCM và vai trò của ngành khoa học Trái đất, môi trường trong việc từng bước trở thành trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, vùng ĐBSCL đứng trước các thách thức về an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu... Do đó, Thứ trưởng mong muốn các nhà khoa học khối viện/trường phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, giải quyết các thách thức cho khu vực. Một trong số đó là hướng nghiên cứu khoa học trái đất, mỏ, môi trường rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.
“Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học của ĐHQG TP.HCM từ ngành khí tượng, thủy văn, môi trường, địa chất, địa lý và các khối ngành kinh tế, nhân văn tham gia Chương trình KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL. Bộ KH&CN sẽ có văn bản xin ý kiến của các địa phương đề xuất các đề tài, hướng nghiên cứu phù hợp với khung Chương trình được công bố”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Giám đốc ĐHQGTP.HCM Vũ Hải Quân phát biểu tại Hội nghị.
Giám đốc ĐHQGTP.HCM Vũ Hải Quân cho biết, trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và tất cả hoạt động của ĐHQGTP.HCM luôn đề cập vấn đề tăng tưởng xanh, biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh… Việc tổ chức Hội nghị này đi đúng chiến lược, tầm nhìn của ĐHQGTP.HCM trong giai đoạn tới. Các báo cáo tại Hội nghị sẽ có vai trò quan trọng trong việc định hướng những chiến lược tích hợp công nghệ với vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Hội nghị còn giúp các nhà khoa học, sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về biến đổi khí hậu, phát triển xanh, tuần hoàn.
Đặc biệt, Giám đốc ĐHQGTP.HCM nhận định, đối với Chương trình KC15/21-30 đặt ra trách nhiệm rất lớn cho ĐHQGTP.HCM. Theo đó, làm thế nào để các nhà khoa học tham gia đóng góp cho sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Đây cũng là sứ mệnh của ĐHQGTP.HCM, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, phát triển vùng”.
Tại Hội nghị, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Viện phó Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (thành viên Ban chủ nhiệm KC15/21-30) cho biết, khung Chương trình hướng tới mục tiêu nghiên cứu và chuyển giao các mô hình phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với tác động ở thượng nguồn sông MeKong. Sản phẩm các đề tài nghiên cứu có ít nhất 80% kết quả được ứng dụng vào thực tiễn và được nơi sử dụng công nhận. Khoảng 20% kết quả được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Chương trình cũng đặt chỉ tiêu công bố quốc tế, bằng sở hữu trí tuệ, tài liệu chuyển giao công nghệ... cho các nhóm nghiên cứu khi tham gia. Được biết, Chương trình Tây Nam Bộ giai đoạn 1 năm 2014 -2020 tổng kết có 64 đề tài nghiên cứu được ứng dụng, chuyển giao giúp phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL.
Bài, ảnh: PV |