|
|||
Ngày 25/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị khoa học quốc gia về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ 8 với chủ đề “Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tự nhiên và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Sự kiện do Hội khoa học các Sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp (KC.07/21-30), Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và một số đơn vị phối hợp tổ chức.
Ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm tự nhiên
GS.TS. Phạm Văn Thiêm, Chủ tịch Hội VNPS cho biết, Hội nghị được tổ chức 2 năm/lần, tập trung vào các sản phẩm tự nhiên; ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; kiểm tra, quản lý, truy xuất nguồn gốc SPTN. Hội nghị là dịp để giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới trong phát triển các SPTN, là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển SPTN trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
GS.TS. Phạm Văn Thiêm, Chủ tịch Hội VNPS phát biểu tại Hội nghị.
Theo GS.TS. Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững, Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt, nhiều tiềm năng để phát triển nông lâm thủy sản. Việt Nam là 1 trong 13 quốc gia hàng đầu thế giới về đa dạng sinh học, là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
“Vấn đề ô nhiễm, biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng, chất lượng cuộc sống đang là ưu tiên hàng đầu cần giải quyết ở tầm quốc gia. Lĩnh vực nông lâm nghiệp đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề trọng tâm này như “gốc của vấn đề", GS.TS. Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, theo số liệu của Viện Dược liệu (2015), Việt Nam có 5.100 cây thuốc (gồm cả các loài nấm, tảo). Việt Nam đã hình thành kho tàng tri thức bản địa phong phú mang bản sắc từng dân tộc, vùng miền. Ứng dụng KH&CN trong bảo tồn, khai thác và phát triển cây thuốc ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, Việt Nam đã bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái, lưu trữ, với 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu tập trung về thảo dược, phát hiện các loài mới, xác định tên khoa học, nghiên cứu phân lập và xác định cấu trúc phân tử các hoạt chất.
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Chủ nhiệm Chương trình KC.07/21-30 cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 ngành nông nghiệp chế biến nông sản phấn đấu đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới; là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Nhằm đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp, Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KC.07/21-30. Trong đó, đặt ra 5 nội dung nghiên cứu quan trọng nhằm ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp trong chế biến phụ phẩm nông lâm thủy sản, canh tác, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông lâm thủy sản.
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Chủ nhiệm Chương trình KC.07/21-30 báo cáo tham luận tại Hội nghị.
Nhiều bài toán đặt ra với việc phát triển các sản phẩm thiên nhiên
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề được đặt ra như chính sách phát triển các SPTN, thực phẩm chức năng và sản phẩm nông lâm thủy sản; ứng dụng CNSH trong xử lý nguyên liệu thiên nhiên và nông lâm thủy sản; kinh tế tuần hoàn và vai trò của nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng SPTN, truy xuất nguồn gốc (TXNG), chống gian lận thương mại...
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng đồng thời do lợi thế về nguyên liệu, kinh nghiệm sử dụng các nguyên liệu tại Việt Nam nên thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tỉ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 65-70% thị trường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, vấn đề đặt ra hiện nay là sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp tự công bố; hoặc chất lượng và độ an toàn không như công bố; quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín của các cơ sở y tế, bác sĩ để quảng cáo sản phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội... Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, vừa đảm bảo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; tuyên truyền để hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.
Trao đổi về vấn đề TXNG, ThS. Nguyễn Thế Tiệp, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại cho biết, hoạt động TXNG được cả cộng đồng xã hội quan tâm, các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu có TXNG. Trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp TXNG, tuy nhiên đa phần không đáp ứng yêu cầu chung. Vấn đề TXNG hiện cũng có nhiều khó khăn, thách thức như chi phí nguồn lực tài chính, thiếu thông tin về các giải pháp, khó thay đổi tư duy và văn hóa doanh nghiệp, rủi ro trong quản trị dữ liệu, an ninh mạng... Ông Tiệp cho rằng, hiện rất cần một nền tảng quản lý dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại và kết nối cung cầu.
Theo GS.TS. Phạm Quốc Long, Tổng Thư ký VNPS, nhờ sự phát triển của KH&CN, con người đã biết đưa tri thức khoa học vào các SPTN và khoa học hóa các bài thuốc dân gian cổ truyền, trong đó có thuốc dân tộc và TPCN. Với thực trạng hiện nay, GS.TS. Phạm Quốc Long cho rằng, cần ban hành bộ tiêu chuẩn theo các cấp độ về "sản phåm thiên nhiên"; đồng thời cần có một hệ thống nhất quán để quản lý, chứng nhận, công nhận chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm lưu hành trên thị trường và phải có sự chấp thuận của các cơ quan chứng nhận đuợc ủy quyền.
Được biết, hiện VNPS đã ban hành Quy chế xác nhận và quản lý các SPTN, trong đó quy định việc quản lý chất lượng và cấp xác nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp với Tiêu chuẩn thiên nhiên. Nhiều chính sách phát triển các SPTN cũng đã và đang được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các SPTN.
Ban Tổ chức trao Giấy chứng nhận SPTN cho một số sản phẩm.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận SPTN cho một số sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.
Bài, ảnh: Hạnh Nguyên.
|