|
|||
Phát triển sản phẩm chủ lực địa phương bằng KH&CN
Ngày 28/7/2023, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Hậu Giang về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và dự Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của Hậu Giang liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển cao nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước; năm 2022 đạt 13,94%, cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước. Còn 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 14,21%, vươn lên dẫn đầu cả nước.
Theo Bí thư Nghiêm Xuân Thành, trong kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp quan trọng của KH&CN, tuy nhiên quá trình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do đầu tư cho KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn còn yếu, thiếu; chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST.
Ông Thành cho biết, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định tập trung đưa hoạt động KH,CN&ĐMST thành động lực phát triển.
“Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xác định, muốn đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc tận dụng tốt thời cơ, phát huy hiệu quả nội lực, khơi dậy khát vọng cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh thì yếu tố quan trọng khác đó là tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất, vào hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả xử lý công việc”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định.
Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST tạo tỉnh Hậu Giang, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đề tài KH&CN cấp quốc gia về nông nghiệp, kỹ thuật và công nghệ... Phần lớn các đề tài, dự án được chuyển giao, góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phát triển sản phẩm có lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, các chuyên gia để nghiên cứu, tư vấn tuyển chọn, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN…
Tuy nhiên, bà Hồ Thu Ánh cho biết, hoạt động KH&CN của tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc như: Thiếu cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, nhất là các chuyên gia KH,CN&ĐMST đầu ngành; nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động; xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước còn lúng túng, nhất là lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; thương mại hóa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN chưa nhiều… Cùng với đó, các tổ chức hoạt động KH&CN của tỉnh còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa đủ sức triển khai các đề tài, dự án quy mô lớn tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN và lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có những ý kiến đánh giá về hoạt động KH&CN của tỉnh. Đồng thời, chia sẻ định hướng, gợi ý để tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách và triển khai hiệu quả một số hoạt động: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng, chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp ĐMST; thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa…
Phát huy vai trò người đứng đầu
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực, tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững, vai trò của người đứng đầu địa phương là rất quan trọng.
Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành KH&CN để KH,CN&ĐMST phải thực sự đồng hành, trực tiếp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang cần chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh các giải pháp để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
“Hiện nay, các chương trình KH&CN tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai xây dựng, do vậy địa phương cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội thu hút các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng lợi thế khi không gian phát triển được mở rộng”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt gợi ý.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, tỉnh Hậu Giang nói riêng, các địa phương nói chung cần tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng phát triển và thu hút nguồn nhân lực KH&CN, triển khai các nhiệm vụ KH&CN thiết thực, phục vụ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp tại địa phương. Đối với phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng cho rằng tỉnh cần xây dựng các chính sách thu hút nhân lực KH&CN làm việc tại Khu để nghiên cứu, phát triển và lan tỏa công nghệ. Ngoài ra, để có nguồn lực đầu tư, địa phương cần bố trí tăng dần chi ngân sách cho hoạt động KH&CN tiệm cận mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn theo Luật KH&CN 2013. Đồng thời, tỉnh có giải pháp huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, đối ứng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN…
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Hậu Giang cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh, tăng cường liên kết, hợp tác mạng lưới ĐMST trong vùng. Trong đó, chú trọng hợp tác, kết nối với Trung tâm khởi nghiệp ĐMST vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ xanh - sạch - thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hậu Giang, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương ủng hộ địa phương và giao Sở KH&CN cùng các đơn vị trực thuộc Bộ làm đầu mối hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ buổi làm việc đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2028. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trao đổi, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác thuộc các lĩnh vực, nhằm đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến thăm Cơ sở Thanh Khiết và Hợp tác xã Hậu Giang Xanh kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản (các sản phẩm từ cá thát lát, cá rô đầu vuông và cá trê vàng). Hợp tác xã Hậu Giang Xanh hiện có 8 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, Cơ sở Thanh Khiết có 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Các cơ sở đều mong muốn ứng dụng KH,CN&ĐMST để nghiên cứu, lai tạo giống cá thát lát sạch bệnh; bảo tồn nguồn gen trứng cá thát lát và cá rô đầu vuông; sản xuất được thức ăn sinh học từ việc tận dụng phụ phẩm cá; đầu tư trang thiết bị chế biến và chế biến sâu sản phẩm; xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đến thăm các cơ sở, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sản phẩm của hai doanh nghiệp cũng như những sản phẩm OCOP của tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh: ĐMST là từ doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp cần phải đặt ra yêu cầu để nhà khoa học nghiên cứu, chủ động liên kết, tranh thủ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các nhà khoa học để đưa KH&CN vào doanh nghiệp, ứng dụng hiệu quả trong thời gian tới./.
Bài, ảnh: PV
|