Bản in
Dấu án Techfest 2022
Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững, hiệu quả cao và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế không phải là một con đường ngắn.

Nhưng với sức mạnh của trí tuệ Việt, với khát vọng mãnh liệt, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, chúng ta sẽ làm được và Việt Nam sẽ thực sự trở thành một miền đất ĐMST màu mỡ cho các hạt giống tốt được nẩy mầm, lớn lên với quy mô khu vực và toàn cầu. 

Khởi nghiệp ĐMST càng cần phải đóng vai trò tiên phong

Quán triệt và xuyên suốt đường lối của Đảng, Nhà nước, việc vận dụng, phát huy tối đa các sáng kiến, giải pháp, dự án ĐMST, khởi nghiệp ĐMST càng cần phải đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề của KT-XH. Đó là vai trò phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của dân tộc Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ. 
 
Tại Techfest quốc gia năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo phải là toàn dân, toàn hệ thống”. Quán triệt chỉ đạo có tính chiến lược đó, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt một năm qua, Techfest quốc gia 2022 đã ghi nhận được nhiều kết quả ấn tượng, có ý nghĩa, đã tạo ra một Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở đặc trưng Việt Nam. Hệ sinh thái này có thể khái quát trong 05 đặc điểm như sau:
 
Một là, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái được cộng hưởng và triển khai rộng khắp trên cả nước. Đó là sự đồng hành của các địa phương, các bộ, ban, ngành, với 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; có 35 tỉnh/thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua hoạt động tổng thể của Ban Điều hành Đề án 844 với thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, quỹ đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện vai trò đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai mạnh mẽ các hoạt động trên khắp cả nước.
 
 
 
Hai là, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã và đang phát triển ngày càng năng động và hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các đối tượng quan tâm về khởi nghiệp từ các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Mạng lưới liên kết truyền thông với hơn 60 đơn vị đã đồng hành, cam kết và kiến tạo nhiều kênh thông tin từ các phương tiện thông tin truyền thông chính thống tới mạng xã hội, từ địa phương tới trung ương và gắn kết chặt chẽ với các kênh quốc tế, trải rộng từ đưa tin kịp thời, phân tích chuyên sâu tới quảng bá hình ảnh của hệ sinh thái Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, qua đó đã và đang từng bước hình thành tinh thần, triết lý và văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, văn hóa dấn thân, và văn hóa chấp nhận rủi ro. Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự, trình diễn và vinh danh hàng trăm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của địa phương, vùng miền. 
 
Ba là, nền tảng về hạ tầng và nhân lực ngày càng được củng cố. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực địa phương, vùng phát triển hệ sinh thái. Hơn 170 trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang có những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 200 không gian làm việc chung được hình thành và phát triển. Hệ thống cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn viên từng bước được chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ với mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên quốc tế. 
 
Bốn là, năng lực kết nối và khai thác nguồn lực quốc tế ngày càng được cải thiện. Thông qua các hoạt động của mình, các cơ quan quản lý cũng như khu vực tư nhân đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho việc thu hút các nguồn lực quốc tế về Việt Nam. Sau thời kỳ đóng cửa bởi Covid-19, ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế kết nối với hệ sinh khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, mở ra thời kỳ tái hội nhập hậu Covid-19, tạo động lực mới để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.  
 
Năm là, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo non trẻ, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái. Tại Techfest ở Bình Dương hôm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự tham gia của Becamex Bình Dương, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh thông qua việc ký thỏa thuận hợp tác với Cục Phát triển KH&CN doanh nghiệp, là đầu mối quản lý nhà nước về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
 
Tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu
 
Bên cạnh đó, các hoạt động của hệ sinh thái nói chung ngày càng được mở rộng, gắn kết chặt chẽ với những chương trình, chiến lược của quốc gia và quốc tế như cam kết tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính tới năm 2050, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ... Điển hình như trong Techfest năm nay, đã hình thành các làng công nghệ mới như Công nghệ sinh thái, Kinh tế tuần hoàn, Năng lượng Xanh,...
 
Hôm nay là tổng kết chuỗi hoạt động Techfest 2022, từ phía Bộ KH&CN mong muốn:
 
Cộng đồng khởi nghiệp cũng như các cơ quan quản lý, các tổ chức trong nước, quốc tế tiếp tục có nhiều sáng kiến hơn, nhiều hoạt động có hiệu quả hơn cho những năm tiếp theo. 
 
Các cơ quan quản lý nhà nước trung ương, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái phát triển theo chiều sâu, đề xuất và triển khai các cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST và đầu tư mạo hiểm; thí điểm hình thành các không gian ĐMST cho sản phẩm, dịch vụ mới tương tác trực tiếp với người dùng cuối, v.v...
 
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục hình thành được các cụm ĐMST, hành lang ĐMST để liên kết các trung tâm khởi nghiệp, triển khai hoạt động ĐMST tại các địa phương theo mô hình mở, khai thác nguồn lực có sẵn. Phối hợp chặt chẽ và nhân rộng hoạt động của các Làng công nghệ. Phát triển và khai thác các hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới, theo đó, đưa DN Việt Nam ra thế giới và đồng thời thu hút tri thức, trí tuệ, nguồn lực thế giới về với Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ và hiệu quả các Mạng lưới kết nối hệ sinh thái ĐMST mở quốc gia, vùng, địa phương; Tăng cường triển khai các chương trình hợp tác ĐMST mở, thu hút lực lượng DN trưởng thành dẫn dắt, tham gia đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy các mối liên kết tạo giá trị tăng cường cho hệ sinh thái quốc gia. 
 
Bài, ảnh: PV (Ghi từ phát biểu Bộ trưởng Bộ KH&CN)