|
|||
Cho rằng việc phát triển thị trường KH&CN vẫn tồn tại nghịch lý bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, PGS.TS Nguyễn Văn Tâm đã trình bày tham luận chủ đề "Thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao tri thức từ trường đại học. Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam nhằm góp phần đề xuất một số giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách nhà nước hướng tới hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại Việt Nam". PGS.TS Nguyễn Văn Tâm khẳng định, trường đại học đóng vai trò nền tảng để tạo ra được sản phẩm KH&CN trên thị trường chuyển giao tri thức và các hoạt động trường đại học thực hiện để tương tác với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức bao gồm hợp tác nghiên cứu đề tài, đầu tư lớn và tổ chức sự kiện mang tính cộng đồng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên để thúc đẩy nghiên cứu và tạo ra sản phẩm, chuyển giao công nghệ ra thị trường thì vai trò của các bên cần được rõ ràng và đầy đủ. Nhà nước thì cần tạo ra chính sách và hành lang pháp lý dẫn dắt các trường đại học và các bên liên quan, doanh nghiệp tham gia vào quá trình hình thành ý tưởng, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.
Cơ chế tài chính cần đầu tư, tài trợ một cách đúng nghĩa vào nghiên cứu và phát triển, trường đại học thì không ngừng đổi mới sáng tạo trên nền tảng nghiên cứu khoa học để tạo ra tri thức mới cho công nghiệp.
Về tính cấp thiết để thúc đẩy thương mại hóa, kinh doanh tri thức từ trường đại học, mô hình nghiên cứu về bẫy thu nhập trung bình, năm 2009, GS Uno đã chỉ rõ điều kiện tiên quyết để một quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình chính là phát huy được năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ, làm chủ và tạo ra được công nghệ mới.
Về kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao tri thức. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã, đang và sẽ là một trong những hoạt động trọng yếu về hoạt động công nghệ đối với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế.
Theo kết quả nghiên cứu về cách thức phát triển các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với các trường đại học quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một trong bốn giải pháp tất yếu, bên cạnh các giải pháp theo xu thế phát triển và quốc tế hóa, hợp tác trường đại học - doanh nghiệp, và phát triển giáo dục khởi nghiệp.
Hầu như tại các quốc gia phát triển để thúc đẩy thương mại hóa chuyển giao tri thức từ trường đại học các giải pháp về chính sách thúc đẩy đều có mẫu số chung như sau:
Thứ nhất là về nhóm chính sách liên quan đến tài chính: Cần quy định mức trần phù hợp về tỷ lệ vốn (trong spin-out) và phần phí nhận được (khi chuyển giao) của trường đại học để khuyến khích nhà đầu tư ngoài; cần thiết lập các dịch vụ về tư vấn, hội đồng đánh giá hay giao dịch theo giá trị trường, cung cấp thêm thông tin liên quan cần thiết để làm cơ sở đối sánh; trường đại học cần định hướng "kết quả nghiên cứu nhận dạng được cơ hội thương mại hóa" để được đầu tư phát triển.
Thứ hai, về nhóm chính sách liên quan đến cơ sở dữ liệu và thông tin truyền thông: Trường đại học tăng cường truyền thông về tài sản trí tuệ, tiềm năng thương mại hóa, ví dụ thông qua nền tảng môi giới; các bên cần tổ chức sự kiện xây dựng và phát triển mạng lưới hoặc thông qua các sáng kiến của nền tảng môi giới; trường đại học có quyền điều chỉnh cơ chế đánh giá cơ hội thương mại hóa dựa trên thông tin công bố, dựa trên số liệu trích dẫn, các nghiên cứu khoa học cho các trường hợp cụ thể; cần có cơ sở dữ liệu về sản phẩm KHCN để các bên liên quan có thể truy cập, tìm kiếm thông tin một cách thuận lợi nhất.
Thứ ba là về nhóm chính sách hỗ trợ từ chính các trường đại học: Trường đại học cần có quyền chủ động tìm giải pháp tăng cường lợi ích cho nhà khoa học: chia sẻ tỷ lệ phân chia lợi ích hợp lý, có chính sách về khen thưởng, ghi nhận. Trường đại học cần có chiến lược dài hạn liên quan đến thúc đẩy thương mại hóa KHCN, trong đó quyền quyết định vấn đề thương mại hóa dựa trên thỏa thuận giữa trường học và doanh nghiệp.
Các đại biểu tại triển lãm thành tựu 60 năm ngành Khoa học và Công nghệ.
Nhóm chính sách thứ tư về hỗ trợ từ nhà nước, là xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn, gói quy trình cho trường đại học và đối tác để đơn giản hóa, tăng tốc quy trình thương mại hóa. Cần xây dựng chính sách sinh viên đầu tư nghiên cứu công nghệ và đầu tư lâu dài, nhà nước thu nhận thành quả đầu tư bằng những biện pháp gián tiếp như tạo công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội qua thu thuế… Hỗ trợ trường đại học xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với cơ sở hạ tầng mạnh hỗ trợ thành lập spin-out và đối tác nhận chuyển giao.
Một số gợi ý và đề xuất cho Việt Nam:
Thứ nhất, xem nguồn kinh phí KH&CN của nhà nước là ngân sách mang tính hỗ trợ phát triển và sản phẩm KH&CN là hàng hóa công ích chứ không phải là tài sản công.
Thứ hai, có ưu đãi nguồn vốn vay và thuế cho phát triển công nghệ cao, công nghệ xanh hoặc/và công nghệ cao kết hợp công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển công nghệ lõi nội tại.
Thứ ba, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ cao và xanh. Thực trạng hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao đã và đang được nhiều ưu đãi đặc biệt là thuế. Việc ưu đãi thuế doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ sẽ tạo động lực nghiên cứu, phát triển và tái đầu tư.
Thứ tư, cho phép xây dựng, triển khai triển khai đề án thí điểm chính sách đủ mạnh và xuyên suốt trong giai đoạn trung hạn nhằm tháo dỡ các rào cản, vướng mắc đang ghi nhận trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay. Từ đó, tiến tới khai thông chính sách nhà nước nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học mạnh mẽ hơn nữa.
Các thủ tục, quy trình hướng dẫn thực hiện của đề án thí điểm cần được triển khai một cách đồng bộ và cơ chế thí điểm đủ độ rộng để các bên tham gia có động lực và lợi ích xuyên suốt quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế.
Thứ năm, đẩy mạnh chính sách phát triển đại học tự chủ gắn với chuyển giao tri thức. Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã cho phép các trường đại học được tự chủ. Tuy nhiên, việc tự chủ vẫn chưa được như mong muốn do còn nhiều vướng mắc với các quy định từ các cơ quan ban ngành khác.
Cuối cùng, cần thúc đẩy thị trường KH&CN để tạo được động lực tăng mạnh giao dịch và giá trị hàng hoá KH&CN, đặc biệt là giao dịch tài sản trí tuệ, giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển. Do đó, cần có nền tảng quan trọng là cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đấu giá tài sản trí tuệ nhằm đẩy nhanh ra thị trường, chia sẻ hợp tác khai thác tài sản trí tuệ.
Bài, ảnh: PV
|