|
|||
Xuất phát từ vấn đề thực tiễn Cây lục bình (hay còn gọi là cây bèo bồng, bèo tây) vốn là loại quen thuộc ở các vùng sông nước. Các sản phẩm từ lục bình rất đa dạng, phong phú về kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như khay, đôn, kệ, giỏ, rổ, bình… Tùy nhu cầu khách hàng, tùy mỗi loại sản phẩm mà các nghệ nhân đan kiểu hạt gạo hay còn gọi là đan mắt na, đan xương cá, đan rối hay còn gọi là đan nhện… Các sản phẩm từ lục bình được tăng giá trị gấp nhiều lần khi được thêu, vẽ hay trang trí thêm hoa cỏ khô, dây ru băng, hạt cườm,… Sản phẩm đan từ lục bình không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên để biến những cây lục bình bình dị ấy thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng đa dạng, đẹp mắt, giá trị kinh tế cao cần trải qua nhiều công đoạn, trong đó có công đoạn sấy. Những giải pháp sấy hiện có trên thị trường đều đẩy giá thành của sản phẩm lên rất cao. Trước thực trạng đó, xuất phát từ một đề tài nghiên cứu khoa học đặt hàng từ Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thạc sĩ Phan Văn Hiệp, giảng viên trường Đại học Văn Hiến đã thiết kế thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời vào năm 2017. Sáng kiến “Ứng dụng năng lượng mặt trời sấy thân lục bình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ” của Ths Phan Văn Hiệp hướng đến mục tiêu ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp công nghệ sấy động, khử nấm mốc bằng công nghệ tia cực tím dải C để sấy được khối lượng lớn thân lục bình. Cụ thể, thiết bị gia nhiệt rất hiệu quả từ năng lượng mặt trời trực tiếp bằng hiệu ứng nhà kính và bẫy nhiệt mặt trời. Hiệu quả gia nhiệt của thiết bị được gia tăng nhờ việc sử dụng tấm polycarbonate đặc ruột có độ xuyên thấu ánh sáng lên đến 95%. Nhiệt độ bên trong buồng sấy được gia tăng thêm từ 10 độ C đến 35 độ C so với nhiệt độ ngoài môi trường tùy thời điểm trong ngày. Nhiệt độ sấy kiểm soát chặt chẽ nhờ cơ chế cắt nắng, che mưa bằng bạt che; bù nhiệt bằng điện trở đốt nhiệt hoặc các nguồn nhiệt khác kết hợp với máy tách ẩm và cơ chế hồi lưu một phần khí nóng từ cuối buồng sấy đi qua bẫy nhiệt mặt trời. Phương pháp này giúp gia tăng năng suất chế biến thân lục bình, tạo sinh kế cho người dân và mở rộng đối tượng thụ hưởng lợi ích; Tạo ra quy trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông thôn Sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc xử lý lục bình cản trở dòng chảy kênh rạch, xử lý nấm mốc trong quá trình sấy lục bình, công nghệ sấy thỏa mãn các tiêu chuẩn cao về xuất khẩu, kể cả với những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việc ứng dụng thiết bị này trong sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp, các cơ sở cung cấp nguyên liệu sản xuất khắc phục được những hạn chế của các phương pháp sấy, phơi khô khác.
Sáng kiến giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí và hạ giá thành đem lại lợi nhuận cao hơn cho bà con Thạc sĩ Phan Văn Hiệp chia sẻ, từ khi đưa công nghệ và thiết bị này ra thị trường, tôi nhận thấy nhu cầu ứng dụng năng lượng mặt trời vào hoạt động sản xuất và sinh hoạt của bà con, của các doanh nghiệp trong nước rất mạnh mẽ vì hàng loạt những ưu điểm. Ưu điểm đầu tiên chính là tiết kiệm năng lượng. Đối với một số sản phẩm giá trị gia tăng không cao. Ví dụ như thân lục bình thì tất cả những giải pháp sấy hiện có trên thị trường đều đẩy giá thành của sản phẩm lên rất cao. Chỉ có mỗi một giải pháp là ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy đã giúp tiết kiệm được chi phí và hạ giá thành thì mới tạo ra giá trị gia tăng cao, lợi nhuận cao hơn cho bà con, cho các cơ sở sản xuất. Cũng theo Thạc sĩ Phan Văn Hiệp: Trong tất cả các giải pháp sấy, đây là giải pháp sấy tiết kiệm năng lượng. Đây là một trong những điểm nổi bật mà thiết bị mang lại cho bà con. Đó là tiết kiệm chi phí về điện năng, chi phí năng lượng cho người dân. Điểm thứ hai là sử dụng công nghệ sấy động giúp cho sản phẩm gần như khô đều tuyệt đối từ tầng đầu tiên đến tầng cuối cùng. Thông thường, thiết bị của chúng tôi có từ 15 đến 30 tầng sấy sẽ rút ngắn 40% thời gian so với phơi nắng. Điểm thứ ba, tôi sử dụng công nghệ đèn cực tím dải C để tạo ra khí ozone và giúp khử dòng vi sinh phổ biến trên thủy sản, thực phẩm và các dòng nấm mốc ký sinh trên thân lục bình, trên những loại trái cây, rau củ quả. Ưu điểm nổi bật tiếp theo là sử dụng công nghệ tách ẩm ngõ vào. Nhờ công nghệ tách ẩm này, luồng không khí bên ngoài trước khi vào trong thiết bị sấy được lọc bụi, tách nước và rất khô. Do vậy, có thể thấy nhiệt độ trung bình thấp mà sản phẩm khô rất nhanh và giữ được cảm quan màu sắc và hình thể rất đẹp. Bài, ảnh: Huyền Minh
|