Bản in
Thương mại hóa tài sản trí tuệ hiệu quả nhờ đăng ký sở hữu trí tuệ
Có thể thấy, trong những năm qua, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Các công bố quốc tế, đặc biệt là các bài báo trên tạp chí ISI cũng tăng nhanh.

Nếu như trước đây, tình trạng đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các viện/trường còn chiếm tỷ lệ thấp so với kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, so với lượng đơn Cục SHTT nhận được thì nay đã tăng lên đáng kể, sự gia tăng số đơn cho thấy nhận thức của các Viện, trường được nâng cao. 

Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề thuộc các lĩnh vực như: công nghệ gen; công nghệ tế bào động vật - thực vật; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ sinh học nano.v.v. Bên cạnh đó, viện còn là đơn vị triển khai, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tư vấn, dịch vụ về công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học. Những năm qua, Viện công nghệ sinh học đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương mại hóa thành công.

PGS.TS. Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, ciệc đăng kí sở hữu trí tuệ của các sản phẩm khoa học của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu tạo ra rất là quan trọng. Nếu như thời gian trước đây, mỗi năm Viện chỉ đăng ký từ 2-5 giải pháp hữu ích hoặc sáng chế thì những năm gần đây tăng lên gần 10, trong đó có một có giải pháp và sáng chế có thể ứng dụng ngay vào trong cuộc sống. 

Có thể kể đến những sản phẩm nổi bật, là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học do các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, triển khai thực hiện như: vắc xin cúm gia cầm H5N1 đã được sản xuất thành công và được kiểm định bởi Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y, Cục thú y và trung tâm kiểm nghiệm vắc xin Australia. Đây là vắc xin cúm gia cầm đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu và được công ty NANETCO sản xuất với tên thương phẩm là NAVET-VIFLUVAC. Từ đó đến nay, hàng trăm triệu liều vắc xin cúm NAVET-VIFLUVAC đã được sản xuất và góp phần không nhỏ trong việc phòng chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam; Chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/ đi-ô-xin tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa của PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường thực hiện 10 năm nay với kết quả được đánh giá rất cao. Hiện chưa có công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam. Đề tài do PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cùng cộng sự thực hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền. Ngoài bằng sáng chế này, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà còn sở hữu hàng loạt các bằng sáng chế và giải pháp hữu ích thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường, nguồn gien di truyền từ thiên nhiên Việt Nam để tạo sản phẩm có khả năng thương mại; các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng.

Với việc tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp cận sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức của cán bộ nghiên cứu về vai trò SHTT trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và triển khai công nghệ; những năm qua Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để khuyến khích hoạt động này.

“Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam có nhiều chính sách thậm chí có hỗ trợ thưởng cho những cán bộ hoặc là các tập thể có công trình đăng ký được sở hữu trí tuệ. Thứ hai là các cái lớp hướng dẫn cho các nhà khoa học để làm quen với quy trình có thể đăng ký được cũng như là việc xây dựng các ý tưởng có thể đăng ký sở hữu trí tuệ”, PGS.TS. Chu Hoàng Hà cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Viện Hàn Lâm KH&CN hay tổ chức kết hợp với cục sở hữu trí tuệ hay tổ chức có cái lớp mở các lớp tập huấn về viết sở trí tuệ với sự tham gia và hướng dẫn bởi các chuyên gia nước ngoài.

Hiện Cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ- gọi tắt là Chương trình 68-Theo đó, Chương trình này có các dự án nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ cho các trường đại học, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, không những cho các viện, trường mà cho cả các thành phần khác như doanh nghiệp, nhà quản lý, các địa phương cũng như các nhà thực thi…để tạo ra nguồn nhân lực trong hệ thống Sở hữu trí tuệ. 

Hiện Cục sở hữu trí tuệ đã và đang cùng tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO triển khai Dự án khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ, xây dựng một mạng lưới các tổ chức sở hữu trí tuệ của các viện, trường, trong đó sẽ giúp cho các viện, trường xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách có kỹ năng chuyên sâu về khai thác thông tin sáng chế phục vụ xác lập quyền và quản trị tài sản trí tuệ, để trên cơ sở đó hỗ trợ cho các hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện, trường.

PV