|
|||
Cung cấp những luận cứ quan trọng cho công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam Được đề cử cho Giải thưởng chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022, công trình nghiên cứu “The first 100 days of severe acute respiratory syndrome coronavirus 2 (SARS-CoV-2) control in Vietnam” đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases (tập 72, số 9, năm 2021) của TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cùng các cộng sự đã xác định được đặc điểm của các trường hợp bệnh tại Việt Nam và đánh giá tác động của các biện pháp được sử dụng trong 100 ngày đầu của dịch. Công trình này đã cung cấp những luận cứ quan trọng cho công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và thành tích chống dịch của Việt Nam với thế giới. Ở thời điểm này, có thể tất cả chúng ta đều "quen" với căn bệnh COVID-19, bệnh do virus corona gây nên. Nhưng vào thời điểm đầu năm 2020, COVID-19 (ban đầu còn gọi là bệnh viêm phổi cấp do corona chủng mới) là nỗi lo sợ của nhiều người, "nhỡ đâu" mình bị mắc, rồi phải cách ly, truy vết... Chính trong những ngày đầu tiên ấy, nhóm của TS Thái bắt tay vào nghiên cứu. Ngày 23/1/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên báo cáo có trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/4/2020 (100 ngày đầu tiên), chỉ có 270 trường hợp mắc mới được ghi nhận và không có trường hợp nào tử vong. 2 đợt lây nhiễm SARS-CoV-2 trong hơn 100 ngày tại Việt Nam đã khiến khoảng 200.000 người phải trải qua ít nhất 14 ngày kiểm dịch, tổng cộng 266.122 xét nghiệm RT-PCR đã được thực hiện, chủ yếu ở những người đã được cách ly, đưa ra tỷ lệ xét nghiệm được thực hiện trên mỗi người dương tính (~ 1000:1) hoặc tương đương, khoảng 1000 người được xét nghiệm cho mỗi trường hợp dương tính được xác định. Dữ liệu lâm sàng và nhân khẩu học của 270 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên cũng như thời gian và bản chất của các biện pháp kiểm soát của chính phủ, bao gồm số lượng xét nghiệm và các cá thể bị cách ly, đã được tổng hợp và phân tích.
TS Phạm Quang Thái tại buổi làm việc với Sở Y tế Hải Dương Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các trường hợp bệnh (60%) ở Việt Nam là nhập cảnh từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ. Việc kiểm soát tại sân bay, cách ly tất cả các hành khách nhập cảnh và tạm dừng hoạt động gần như tất cả các chuyến bay quốc tế đã giúp ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm mới, để tập trung vào việc phát hiện và ngăn chặn các nguồn lây trong nước. Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp nhập cảnh dưới 30 tuổi, các trường hợp mắc bệnh trong nước đều dưới 40 tuổi, điều này giải thích cho số lượng trường hợp mắc bệnh nặng thấp và không có trường hợp nào tử vong.
73,9% trường hợp phát triển các triệu chứng sau khi cách ly và 43% không có triệu chứng đã cho thấy một trong những thách thức lớn của việc kiểm soát SARS-CoV-2 và thế mạnh của phương pháp tiếp cận của Việt Nam. Các trường hợp nghi ngờ được xác định và cách ly dựa trên nguy cơ lây nhiễm dịch tễ học của người nhiễm bệnh, thay vì biểu hiện các triệu chứng. Nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát và theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt, rất có thể những trường hợp như vậy đã âm thầm lây truyền vi rút và phá hoại các nỗ lực kiểm soát dịch khác. Nghiên cứu khoa học giúp phòng chống COVID-19 Công trình này đã khái quát hoá quá trình kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong đó tổng kết bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, bài báo cũng đưa ra những bằng chứng quan trọng trong việc kết luận bệnh có thể lây truyền từ những cá thể nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng (nhiễm trùng không triệu chứng). Đây là luận điểm quan trọng bởi tại thời điểm đó vẫn còn quan điểm cho rằng chỉ người có triệu chứng mới có thể là nguồn lây nhiễm. Kết quả về lây truyền không triệu chứng cũng như biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam ngay lập tức được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thu thập và sử dụng để khuyến cáo các biện pháp kiểm soát dịch cho các quốc gia trên thế giới. Tôi rất thích quan điểm thích ứng với dịch mà Việt Nam áp dụng, tức là thích ứng với từng thời kỳ, giai đoạn, mỗi quyết định cho từng giai đoạn có giá trị ở thời điểm đó. Nếu lúc đó chúng ta cũng có quan điểm thả nổi thì, vào thời điểm dịch bùng mạnh, số tử vong sẽ gia tăng sớm hơn chứ không phải nửa cuối năm 2021 mới bùng mạnh- TS Phạm Quang Thái cho biết. PGS.TS Phạm Quang Thái, 46 tuổi, là phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. TS Thái cũng đã tham gia Đội đáp ứng nhanh điều tra và đáp ứng với nhiều dịch bệnh trong cả nước từ năm 2000 đến nay. Từ tháng 3-2020, TS Thái tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia. Và để có những kết luận trong 100 ngày đầu tiên, TS Thái và cộng sự đã không bỏ sót bất kỳ ca bệnh nào trong 100 ngày này, thậm chí "truy ngược" để tìm "vết" như bắt đầu có triệu chứng khi nào, ngày xét nghiệm, lây cho những ai... Hồi cứu rất nhiều để phân tích thông tin từng ca. Thực tế từ cuối tháng 4-2020, dịch đã yên ổn tới tận tháng 7 (đến khi dịch bùng tại Đà Nẵng), chứng tỏ chiến lược những ngày đầu tiên của Việt Nam là rất hợp lý. Nghiên cứu đã được sử dụng như một bằng chứng về kết quả chống dịch vào thời điểm đó tại Việt Nam, được trích dẫn nhiều lần trên các kênh truyền thông quốc tế. Những kết quả của nghiên cứu cũng đã được gửi từ trước đó đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, cung cấp bằng chứng và góp một tiếng nói cho việc hoạch định chính sách về phòng chống COVID-19 tại Việt Nam. Bài và ảnh: Minh Châu |