Bản in
Ngày hội STEM năm 2022: “Vượt lên biến động”
Ngày 20/5, tại Hà Nội đã diễn ra Ngày hội STEM năm 2022 với chủ đề “Vượt lên biến động”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ đạo và phát động.

 STEM khơi gợi đam mê sức sáng tạo, khám phá

Ngày hội STEM là một hoạt động thường niên nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM - một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Hà Nội, lần đầu tiên có một diễn đàn riêng để học sinh từ thành thị đến nông thôn, miền núi, từ trường chuyên danh tiếng đến trường làng giới thiệu các hoạt động học tập, sinh hoạt câu lạc bộ theo định hướng STEM tại ngôi trường của mình.

Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia thuyết trình của khoảng 30 học sinh, sinh viên và thầy cô đến từ 13 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bến Tre.

Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2022, Ngày hội STEM được tổ chức ở hơn 10 địa phương. Điều này cho thấy, giáo dục STEM đã bắt đầu lan tỏa và hình thành được nền tảng phát triển vững chắc.

Phát biểu khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, giáo dục STEM khơi gợi đam mê sức sáng tạo, khám phá, kết hợp "học và hành" thu lượm và có được tri thức mới thông qua trải nghiệm thực tiễn. Đây là ưu thế của giáo dục STEM khi các bạn trẻ nhận được tri thức do chính mình trải nghiệm.

Theo Thứ trưởng thời gian qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc dạy và học với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh có sự xáo trộn rất lớn về thời quan, không gian học tập và đặc biệt có sự thay đổi thói quen, nền nếp sinh hoạt; thay đổi từ tư duy tiếp cận đến từng hành động cụ thể trong việc “dạy và học”. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh.

“Năm học 2021-2022 là một năm học vô cùng đặc biệt với các bạn học sinh trên cả nước, việc học online diễn ra trên khắp cả nước với thời gian khác nhau, nhưng với tất cả những nỗ lực triển khai, thầy cô và học sinh đã “vượt lên biến động” của đại dịch để thích nghi với điều kiện mới”.

Theo đó, giáo dục STEM trong năm học vừa qua cũng nằm trong xu thế chung đó và đây chính là lý do Ban tổ chức chọn chủ đề Ngày hội STEM 2022 là “Vượt lên biến động” nhằm tạo diễn đàn, chia sẻ những câu chuyện trải nghiệm và qua đó tôn vinh những nỗ lực rất lớn của các thầy cô giáo và các em học sinh trên mọi miền tổ quốc trên hành trình tìm kiếm, mở mang các tri thức khoa học.

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp để nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Phương pháp tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM là một cách tiếp cận phù hợp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho người trẻ.

“Ngày hội STEM 2022 được tổ chức là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuyển đổi số với mục tiêu phát triển nhanh năng lực tiếp cận số cho cộng đồng, nhất là giới trẻ ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo của đất nước” - Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Với mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025, nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp, năm 2030 có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, chắc chắn chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo từ chính các em học sinh, thế hệ măng non, qua đó đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Toàn cảnh Ngày hội STEM 2022

Xây dựng văn hóa yêu và đam mê nghiên cứu khoa học từ lúc nhỏ
 
Vì vậy, thông qua Ngày hội STEM 2022 cũng là dịp để chúng ta truyền đi thông điệp kết nối, lan tỏa và nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới cộng đồng, nhất là các bạn trẻ, học sinh, cùng xây dựng văn hóa yêu và đam mê nghiên cứu khoa học từ lúc nhỏ trên hành trang “trưởng thành” của mỗi bạn trẻ.
 
Chia sẻ những trải nghiệm thực tế, Lê Khánh Linh, một học sinh chuyên văn đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái), cho biết em theo đuổi niềm đam mê khoa học. Linh chia sẻ, quyết tâm này đến kể từ khi bố em mắc bệnh khiến việc đi lại gặp khó khăn, luôn trăn trở muốn làm gì đó. Linh phát triển thiết bị E-FAS hỗ trợ đi lại sau hàng trăm lần thử nghiệm thất bại. "Việc tham gia câu lạc bộ STEM đã giúp em có đề tài nghiên cứu khoa học nhưng hơn cả đã giúp em bày tỏ tình yêu với người bố của mình", Linh nói.

Từ đầu cầu THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hai học sinh Lê Anh Tuấn Bằng và Nguyễn Văn Tình cho biết, hoạt động STEM tại trường áp dụng kiến thức tích hợp ở lĩnh vực khoa học, công nghệ kỹ thuật và toán học để giải quyết bài toán thực tế. Nhóm chia sẻ về các dự án như thuyền đa năng phục vụ nuôi trồng thủy hải sản, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật điều khiển bằng giọng nói hay máy lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tự động. Các dự án đều đạt giải cao trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật quốc gia.

Đến từ THCS Trưng Vương (Hà Nội), Nguyễn Lương Bằng (14 tuổi) chia sẻ những trải nghiệm STEM dưới góc độ học sinh thành phố. Bằng tiếp cận sớm với STEM khi có bố là kỹ sư công nghệ thông tin và mẹ là giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. "Bố mẹ đều am hiểu về STEM nên em được tạo điều kiện học hỏi và tìm tòi", Bằng nói. Tuy vậy Bằng nói, vẫn có một số điểm thách thức như chưa được tiếp cận chuyên sâu, ít có cơ hội tiếp cận với môi trường tự nhiên ngoài thành phố và cần phải cân bằng giữa việc học tập, nghỉ ngơi và nghiên cứu STEM.

Còn Lã Thị Hường, Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội chia sẻ câu chuyện đầy xúc động. Nghỉ hè năm lớp 11, Hường đạp xe 20 km lên thành phố xin học việc tại xưởng làm biển quảng cáo và nội thất kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tại đây, Hường được tiếp xúc với máy cơ khí hạng nặng, được xem máy CNC thực tế giúp cô học được cách xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh. Từ những thiết kế ban đầu thuần cơ khí, nữ sinh tiến tới kết hợp điện tử và lập trình rồi đưa ra sản phẩm. Nhờ niềm đam mê và nỗ lực, Hường tham gia các cuộc thi khoa học toàn quốc, tham gia cuộc thi robocon... "Có lúc nhà khó khăn em tưởng chừng phải bỏ học, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô tại trường Đại học Khoa học và công nghệ cùng các mạnh thường quân đã giúp em tiếp tục theo đuổi việc học và đam mê", Hường nói.

Từ đầu cầu Mỹ, Nguyễn Bảo Ngọc, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học Môi trường tại ĐH California, Berkeley - cựu học sinh từng đạt giải cao trong các cuộc thi STEM quốc tế kể hành trình theo đuổi khoa học. Con đường mở ra khi cô nghiên cứu về kim loại nặng ở sông Tô Lịch và nhận được học bổng du học. Sau đó Ngọc tiếp tục theo đuổi nghiên cứu việc đốt rơm rạ để định lượng, giải quyết lượng khí CO2 phát thải trên toàn cầu...

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, kết nối đại học với phổ thông trong hỗ trợ giáo dục STEM định hướng nghề nghiệp cho học sinh là điều cần thiết. PGS Huỳnh Quyết Thắng cho biết nhiều ngành nghề thay đổi, đòi hỏi lớp trẻ chuẩn bị kĩ về hành trang, trong đó thay đổi tư duy tiếp cận. Đại học Bách khoa Hà Nội đã triển khai hoạt động mô hình STEM từ năm 2018 và mong muốn kết nối với trường phổ thông - nơi có vai trò định hướng vô cùng quan trọng.

PGS Huỳnh Quyết Thắng đề xuất phối hợp như tổ chức cho các em tham quan trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, gia nhập nhóm nghiên cứu khoa học của giảng viên, lab hỗn hợp (học sinh cấp 3 và sinh viên năm 2-3)... "Việc phối hợp giữa các trường cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất", ông nói cho rằng kết nối là giải pháp đẩy mạnh giáo dục, mang lại lợi ích cộng đồng.
 
Bài, ảnh: PV