|
|||
Lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí Toán học hàng đầu thế giới GS.TSKH. Ngô Việt Trung vui mừng và xúc động khi được Bộ Khoa học và Công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 với công trình nghiên cứu "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals", xuất bản trên tạp chí Inventiones Mathematicae 218 năm 2019. Công trình nghiên cứu một bất biến cơ bản của Idean là độ sâu, giải quyết được 3 bài toán mở liên quan đến tính tang của hàm độ độ sâu, hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn cho trước của hàm độ sâu. GS.TSKH. Ngô Việt Trung được biết đến là nhà Toán học có uy tín và có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cho nền Toán học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Ông sinh năm 1953. Ông nhận bằng tiến sĩ năm 1978 tại Đại học Martin-Luther Halle-Wittenberg, Đức. Từ đó đến nay, ông nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 1983, rồi giáo sư vào năm 1991. Ông là người xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu về chuyên ngành đại số giao hoán tại Viện Toán học. Các nghiên cứu của ông thường có mối liên hệ đến các vấn đề trong hình học và tổ hợp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải), Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chúc mừng hai tác giả được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu GS Trung cho biết, đây là giải thưởng chung với TS Nguyễn Đăng Hợp, đồng tác giả công trình. Nếu không có những ý tưởng của TS Hợp thì ông không thể giải quyết được vấn đề chính của công trình. Công trình đã đưa ra nhiều ý tưởng và phương pháp nghiên cứu mới từ các chuyên ngành khác như hình học đại số, tô pô đại số, quy hoạch nguyên. "Việc giải quyết những giả thuyết này lập tức đặt ra những vấn đề mới về luỹ thừa hình thức, cũng rất khó và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”, GS Trung chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae - một trong 3 tạp chí Toán học hàng đầu thế giới. Đằng sau thành công là câu chuyện đầy xúc động GS cho biết, ông rất vinh dự khi nhận Giải thưởng này, bởi đây không chỉ là một Giải thưởng được đánh giá rất cao trong cộng đồng khoa học mà còn có ý nghĩa với cá nhân ông. Xúc động hơn bởi cố GS Tạ Quang Bửu cũng chính là người đã thay đổi cuộc đời ông. Ít người biết rằng ông từng bị liệt chân và phải đi nạng khi học phổ thông. Thời đó, dù đủ điểm kỳ thi để được đi nước ngoài học nhưng không nước nào nhận. Nhờ GS Tạ Quang Bửu can thiệp mà ông mới được du học chuyên ngành Toán ở Đức và điều trị để có thể đi lại gần như bình thường.
GS.TSKH. Ngô Việt Trung tại lễ vinh danh Với cá nhân mình, GS Trung tâm sự, thành quả ngày hôm nay, không chỉ đến từ nỗ lực cá nhân mà còn nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt từ gia đình của mình. Ông gửi lời tri ân tới những người đã giúp đỡ từ khi ông trở về nước cho đến nay, những người đã xây dựng Viện Toán học như GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy... Đặc biệt dành những lời cảm ơn cho người vợ “đã can đảm chịu đựng một người làm Toán có nhiều khiếm khuyết và hy sinh sự nghiệp cho việc chăm sóc gia đình để tôi có thể yên tâm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học”. Theo GS.TS Vũ Hải Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 cho biết, giải thưởng năm nay có 5 hồ sơ đề cử, trong đó ba đề cử cho giải chính và hai đề cử cho hạng mục giải thưởng trẻ trong tổng số 48 hồ sơ đăng ký tham gia. Sau quá trình xét duyệt, hội đồng giải thưởng quyết định không có giải dành cho nhà khoa học trẻ, bởi các nghiên cứu được đề cử chưa đạt đủ các tiêu chí về giá trị nghiên cứu, tính đóng góp cho khoa học, xếp hạng trên tạp chí quốc tế... Từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm vinh danh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học, công nghệ Việt Nam. Giải thưởng được mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam. Sau 8 năm tổ chức, 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Riêng năm 2021, không có nhà khoa học nào được nhận giải thưởng này. Bài, ảnh: Minh Châu |