Bản in
Thạc sĩ không tai: "Tôi chịu lời đắng cay, xúc phạm để bây giờ hái quả ngọt"
Hồi nhỏ, do thể trạng không được như người bình thường, Chinh thường bị bạn bè cùng trang lứa miệt thị và xúc phạm. Anh bỏ qua tất cả để quyết tâm trở thành thạc sĩ hóa học.

"Mọi người đều nghĩ tôi không thể đi học, thậm chí nói 'vì khuyết tật nên được thầy cô nâng đỡ'. Lời xúc phạm nhiều đến nỗi tôi không thể kể ra hết trong một ngày..."

"Có nhiều người giật mình khi thấy tôi"

Nhìn qua khe cửa sổ từ ngoài vào phòng lab, Chinh có dáng vẻ gầy gò, mắt chảy xệ, không có vành tai, hở hàm ếch, không có xương gò má. Anh đang trầm tư nghiên cứu tài liệu. Trông anh không hiện lên sự mệt mỏi khi ở trong phòng lab nhiều giờ đồng hồ bởi, anh đang nỗ lực để được sống là chính mình và… làm người bình thường.

Sinh ra đã bị mắc dị tật bẩm sinh (hội chứng Treacher Collins) , anh Phạm Đức Chinh (sinh năm 1993) sống từ nhỏ với ông bà nội và có bố mẹ làm nông nghiệp ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Lên 2 tuổi, cậu bé gầy gò khi ấy phải trải qua cuộc phẫu thuật chữa hở hàm ếch. Đó cũng là điều duy nhất bác sĩ có thể làm cho anh bởi việc phẫu thuật mở thêm ống tai quá nguy hiểm, không ai dám liều lĩnh. Em trai của Chinh cũng bị mắc hội chứng Treacher Collins và mất ngay sau khi được sinh ra.

Thạc sĩ không tai: Tôi chịu lời đắng cay, xúc phạm để bây giờ hái quả ngọt - Ảnh 1.

Anh Phạm Đức Chinh ngày ngày miệt mài làm công việc mà mình yêu thích.

"Chinh là con một, lại thiệt thòi đủ bề nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ bỏ mặc con", bà Vũ Thị Oanh (mẹ Chinh) nói sau khi gõ cửa hết tất cả bệnh viện lớn nhất thủ đô để tìm ra bệnh và chạy chữa phẫu thuật cho con.

Được biết, hội chứng Treacher Collins là chứng rối loạn di truyền hiếm gặp và không có cách chữa nên Chinh buộc phải thích nghi với những hạn chế về ngoại hình, khả năng nghe nói. Cụ thể, khả năng nghe của anh bị suy giảm 70%, chảy nước mắt sống thường xuyên và nói không rõ một số phụ âm. Vì vậy, khi giao tiếp, anh hay nhờ người đối diện nhắc lại lần thứ 2 hoặc yêu cầu nói to hơn kết hợp với nhìn khẩu hình để đoán ý.

Nhớ những ngày còn đi học, cậu bé Đức Chinh đều rất háo hức đến trường như bao đứa trẻ khác nhưng ở đây, anh lại trở thành tâm điểm của đám bạn cố ý trêu chọc mỗi giờ ra chơi. "Mọi người đều nghĩ tôi không thể đi học, thậm chí nói 'vì khuyết tật nên được thầy cô nâng đỡ’. Lời xúc phạm nhiều đến nỗi không thể kể ra hết trong một ngày", Chinh tâm sự.

Tuy nhiên, anh cho rằng không cần lên án những người bạn từ quá khứ đến hiện tại vì một vài lời xúc phạm trong lúc vui đùa hoặc cãi nhau.

Nam thanh niên nói thêm: "Sự khác biệt về ngoại hình là chuyện bình thường, có người xinh, có người xấu, có người béo, có người gầy. Và sẽ có những nhận xét, bình luận, đàm tiếu không hay, thậm chí có những người giật mình và sợ khi nhìn thấy tôi… đó là sự thật.

Tôi quan niệm, cuộc đời đã sinh ra và con đường đã chọn như vậy, nên chắc chắn là không ai dừng ở giữa… Lời miệt thị cũng sẽ tàn phai theo thời gian nếu chúng ta không lấy nó làm nỗi đau đớn mà kêu gào. Và tôi đã tìm đến những mối quan hệ: Bạn bè, thầy cô, đồng chí… không quá để ý hoặc đã quen với khuôn mặt, tính cách của tôi".

Được sống là chính mình khi nghiên cứu khoa học

Khi được làm quen với những thí nghiệm và phản ứng hóa học cơ bản ở cấp 2, Chinh đã nhìn thấy "tương lai" của mình và bắt đầu nghiêm túc theo đuổi môn Hóa học. Trước đó, điểm số của anh chỉ ở mức trung bình nhưng từ năm học lớp 8, chàng trai Thái Bình có thành tích học tập ngày càng cải thiện, vươn lên thành học sinh khá, giỏi, riêng tổng kết môn Hoá học luôn trên 9.

Lên cấp 3, Chinh có ấn tượng với Đại học Bách Khoa qua sự giới thiệu từ mọi người và các trang thông tin điện tử nên đã quyết định lên kế hoạch ôn luyện thi tuyển vào trường.

"Do xác định và có mục tiêu từ sớm nên ngay từ năm lớp 10, tôi đã tập trung học ban tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) với trọng điểm là môn Hóa. Ngoài những giờ học trên lớp, tôi học thêm những lớp học do chính nhà trường tổ chức (vào sáng chủ nhật). Bên cạnh đó, tôi làm lại những tập đề cũ của anh chị học thêm tại trung tâm luyện thi, tìm kiếm những tài liệu trắc nghiệm liên quan đến hóa học. Kết quả, tôi đỗ vào ĐH Bách Khoa với 25.5 điểm", Chinh chia sẻ.

Khăn gói xuống Hà Nội học tập, gia đình lo lắng anh sẽ gặp nhiều khó khăn và cản trở nhưng Chinh luôn giữ được sự tự tin. Ở trọ cùng anh họ, Chinh có người theo dõi tình trạng sức khỏe, giúp đỡ khi ốm đau và nhắc nhở học hành. 5 năm đi học, nam sinh đều đặn đạp xe đến trường, không nghỉ buổi nào, bất kể thời tiết nắng mưa.

Khi lên đại học, Chinh được bạn bè đón nhận và thầy cô giúp đỡ tận tình. Anh cũng ngạc nhiên bởi các bạn không những không kỳ thị, mà còn giúp đỡ anh trong quá trình tiếp nhận, lĩnh hội kiến thức. Có hôm không nghe rõ thầy giảng, Chinh được bạn bè giảng lại và cho mượn tài liệu để tham khảo.

Năm 2017, anh tốt nghiệp loại giỏi với số điểm 3.2 và nằm trong top 20 của trường. Riêng kì 1 năm 3, anh là một trong hai người được học bổng loại A với số điểm là 3.9/4.

Sau khi tốt nghiệp, Chinh tiếp tục ở lại trường học cao học và làm trợ lý nghiên cứu, phát triển các ứng dụng hợp chất thiên nhiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ở đây, song song với việc nghiên cứu, anh có cơ hội hướng dẫn các bạn sinh viên làm thí nghiệm khoa học, nghiên cứu và phát triển các đề tài mới có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Hiện tại, chàng trai Thái Bình đã tốt nghiệp Thạc sĩ Hóa học và tiếp tục chặng đường nghiên cứu khoa học tiếp theo.

Đều đặn cứ 7h sáng, Chinh lại có mặt ở phòng thí nghiệm và thực hiện công việc chính của anh là nghiên cứu các quá trình- thiết bị trong công nghệ hóa học.

Với trọng tâm là nghiên cứu các quá trình oxy hóa tiên tiến để xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ cô đặc nước trái cây ở nhiệt độ thấp và áp suất thường, Thạc sĩ Chinh hy vọng sẽ đem lại những tác động tích cực đến sự phát triển thực tiễn của xã hội.