|
|||
Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp? Bà Hà Tú Cầu: Nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Nhờ vậy, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao, tiến bộ và có ích cho xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, các chương trình nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm sẽ mang lại những kết quả cụ thể, chính xác hơn những chương trình nghiên cứu có đại trà với tính ứng dụng không cao.
Được biết, MEDEP JSC cũng đã nhận được một số hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Bộ KH&CN, trong đó có Chương trình KC.10. Điều này có ý nghĩa như thế nào với doanh nghiệp, thưa Bà?
Bà Hà Tú Cầu: Những sản phẩm của MEDEP JSC được tạo ra từ nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm hình thành từ những dự án và đề tài áp dụng công nghệ tiên tiến. Do vậy, những sản phẩm của MEDEP là những sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam: ví dụ như thủy tinh thể nhân tạo, chỉ khâu kháng khuẩn… và tới đây, MEDEP thực hiện nghiên cứu một số sản phẩm phụ trợ cho quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể. Những sản phẩm được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ hiện đại, quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ và có chất lượng cao tương đương hàng nhập ngoại. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị bệnh đục thủy tinh thể” thuộc Chương trình KC.10/16-20 do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ MEDEP JSC thực hiện.
Bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty nghiên cứu song hành với quá trình sản xuất để tối ưu hoá, cải tiến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất… Ví dụ, với chỉ khâu kháng khuẩn thì những sản phẩn phẩm của MEDEP sẽ được phủ chất kháng khuẩn ngay trên chỉ khâu phẫu thuật. Điều này sẽ có tính ưu việt hơn so với các sản phẩm khác là tăng khả năng phục hồi, giảm khả năng nhiễm khuẩn và thời gian lưu viện của bệnh nhân.
Bà có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thành công dự án về sản xuất thủy tinh thể nhân tạo – 1 lĩnh vực hoạt động kinh doanh lớn mạnh của MEDEP JSC?
Bà Hà Tú Cầu: Thực tế đã chứng minh, các đề tài và dự án thuộc chương trình do Bộ KH&CN hỗ trợ đã mang lại cho MEDEP JSC những bước tiến mới cho việc ứng dụng công mới vào sản xuất. Theo tôi, để triển khai thành công các dự án đề tài thì cần có các yếu tố:
Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phù hợp, đây là yếu tố quan trọng mà nhiều khi các doanh nghiệp không đáp ứng được. Tiếp đó, vấn đề nhân sự được đào tạo về chuyên môn đúng lĩnh vực nghiên cứu và kỹ năng thực hiện Dự án, đề tài cũng là một yếu tố tiên quyết mang lại hiệu quả cho các dự án nghiên cứu. Sự tuân thủ về các chế định của nhà nước và các quy định của Bộ Y tế với những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng là yếu tố quyết định sự thành công của các sản phẩm nghiên cứu. Nếu không được Bộ Y tế cho phép sử dụng thì coi như sản phẩm sẽ chỉ trên giấy.
Trong quá trình triển khai, đơn vị gặp những khó khăn gì và đã được hỗ trợ giải quyết thế nào? Bà có kiến nghị, đề xuất gì để Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước đạt kết quả cao hơn, có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới?
Bà Hà Tú Cầu: Trong quá trình triển khai các đề tài dự án thuộc chương trình KC.10, MEDEP không gặp phải khó khăn lớn nào. Vì MEDEP luôn nhận được sự hỗ trợ của Văn phòng Chương trình KC.10 và Ban Chủ nhiệm Chương trình nên đơn vị thực hiện đều hoàn thành đúng hạn và nghiệm thu đúng thời gian, không gặp vướng mắc.
Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm là kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án vẫn còn hạn chế. Thuỷ tinh thể và chỉ khâu kháng khuẩn của MEDEP là sản phẩm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, mặc dù có chất lượng và giá trị sử dụng trên thực tế cao, giá thành rẻ nhưng chưa được sử dụng rộng rãi do các bệnh viện đã quen với các sản phẩm nhập khẩu.
Nhiều đề tài/dự án do Bộ KH&CN hỗ trợ đã giúp Công ty MEDEP JSC tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học cao và đã được thương mại hóa ra thị trường.
Nếu trong thời gian tới các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trong đó có MEDEP được nhận thêm các chính sách đặc thù, khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghệ cao trong nước sản xuất thì lợi ích mang lại cho người bệnh sẽ lớn nhất. Đồng thời sẽ kích cầu doanh nghiệp Việt nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao…
Hiện nay, MEDEP đã nộp hồ sơ xin hỗ trợ của chương trình KH&CN trọng điểm cho dự án thủy tinh thể để hoàn thiện thêm công nghệ nhằm nâng quy mô sản xuất lớn hơn và tạo ra những sản phẩm mới từ dây chuyền công nghệ hoàn thiện. MEDEP mong muốn các cơ quan chức năng đẩy nhanh thời gian phê duyệt các dự án để các dự án sớm đi vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, Do dịch Covid-19 kéo dài đúng thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường, MEDEP ngừng sản xuất do giãn cách xã hội nên làm giảm sút doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn. Mặt khác, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện cũng hạn chế các dịch vụ không cấp bách, người bệnh có tâm lý ngại đi khám chữa bệnh. Điều này cũng khiến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất nghiên cứu thiết bị y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, rất mong Nhà nước cần có chính sách ưu đãi vay vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao tồn tại, khôi phục và phát triển sản xuất nhằm tạo thêm nhiều lợi ích cho xã hội.
Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bà!
Bài, ảnh: Linh Chi |