|
|||
Ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ với phóng viên về những kết quả cũng như hiệu quả ứng dụng của các kết quả nghiên cứu trong đời sống, sản xuất. - Thưa Ông, được biết năm 2020 là năm cuối trong giai đoạn thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước. Các đề tài, dự án thuộc các Chương trình khi áp dụng trong thực tiễn đã mang lại kết quả thế nào, thưa Ông?
Ông Trần Đỗ Đạt: Trong giai đoạn 2016-2020, hệ thống các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia có 7 chương trình, trong đó 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC) và 1 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20). Sau 5 năm hoạt động, với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, rất nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa, ứng dụng trong thực tiễn. Các nhiệm vụ của các chương trình KC, KX luôn đề cao tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phục vụ sản xuất và đời sống, hầu hết các kết quả nghiên cứu đều được yêu cầu đánh giá, triển khai thử nghiệm tại thực tiễn.
Về Chương trình KX: Trên 40% số đề tài nghiên cứu có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các kết quả nghiên cứu tiếp tục đóng góp luận cứ khoa học trong việc kiến nghị nhằm hoạch định chính sách và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, có nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Tổ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII, góp phần xây dựng và hoàn thiện văn kiện phục vụ Đại hội Đảng. 80% số đề tài có kết quả góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương. 90% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn.
Về Chương trình KC, thông qua các hoạt động chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm bước đầu mang lại doanh thu trên 150 tỷ đồng (với các sản phẩm thiếc thỏi 99,99%, oxit đất hiếm chất lượng, Masterbatch phụ gia tăng tính năng nhựa nhiệt dẻo, chi tiết, phụ tùng máy bơm bằng thép Duplex và SuperDuplex, phụ gia đa năng, thiết bị làm sạch buồng đốt…). Các hệ thống, sản phẩm phần mềm thuộc chương trình (KC.01/16-20, KC.08/16-20, KC.09/16-20) đã được ứng dụng, chuyển giao cho các tổ chức, cơ quan nhà nước để khai thác sử dụng góp phần tiết kiệm cho việc sử dụng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư, mua sắm những sản phẩm có tính tương đương.
Trong Chương trình KC.01, có hệ thống đánh giá, quản lý rủi ro an toàn thông tin trong các hệ thống công nghệ thông tin; Hệ thống hỗ trợ xử lý sự cố an toàn thông tin trong các hệ thống công nghệ thông tin, được chuyển giao cho 3 Bộ: kinh phí thuê các giải pháp tương tự từ nước ngoài từ 6 -10 tỷ VNĐ/năm; tiết kiệm trên 100 tỷ nếu được ứng dụng rộng các bộ ngành, địa phương.
Trong Chương trình KC.08, có hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bàn giao cho Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Trung tâm KTTV Quốc gia - Tổng cục KTTV; Hệ thống mô hình dự báo định lượng mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ hạn từ 1 đến 3 ngày ứng dụng tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Bên cạnh đó, đã tạo ra các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm mới có tác dụng nâng cao hiệu suất, năng suất của hệ thống, tiết kiệm chi phí dự kiến sẽ có hiệu quả lớn khi được triển khai rộng rãi và lâu dài như: KC.02 có Hệ hóa phẩm axit chuyên dụng cho loại trừ nhiễm bẩn vô cơ và Hệ hóa phẩm chuyên dụng cho loại trừ nhiễm bẩn hữu cơ và các cụm nước, kết quả thử nghiệm công nghiệp tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã làm tăng 80-279% (0,8-2,79 lần) sản lượng khai thác dầu; Tạo ra sản phẩm với giá thành có khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm tương đương, tiết kiệm được chi phí cho nhà nước cũng như người sử dụng. Ví dụ như Chương trình KC.10 đã ứng dụng kỹ thuật laser quang đông điều trị thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải sơ buồng ối. Ở nước ngoài điều trị là 30.000 USD/ca (không kể chi phí đi lại) trong khi thực hiện trong nước với giá 40-50 triệu đồng/1 ca; mỗi năm có khoảng 300 ca phải can thiệp bằng kỹ thuật này nên có thể nói, đã tiết kiệm hơn 8 triệu USD (180 tỉ VNĐ) mỗi năm; hay thuốc Felodipin có giá thành 1 viên là 935đ/viên, giá nhập ngoại là 7.000 đ/viên;… Nhìn chung, nếu tính tổng kinh phí tiết kiệm (nhà nước và nhân dân), con số đạt được có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng một năm, vượt đáng kể con số kinh phí đầu tư.
Không chỉ mang lại những hiệu quả về mặt kinh tế như những phân tích trên đây, các chương trình KH&CN còn mang lại nhiều nghĩa xã hội như tham gia đào tạo nhân lực KH&CN chất lượng cao; góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân (thông qua những giải pháp, kỹ thuật chữa bệnh hiểm nghèo; giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận những thành tựu y học tiên tiến, tiết kiệm chi phí điều trị…); góp phần bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu phát sinh chất thải; cảnh báo, ứng phó hạn chế các rủi ro thiên tai đảm bảo an toàn cho nhân dân và an sinh xã hội; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, pháp luật về biển làm sâu sắc thêm cơ sở khoa học trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông….
Được biết, Bộ KH&CN đang tái cấu trúc lại các chương trình KH&CN quốc gia. Cụ thể, sẽ có những thay đổi như thế nào thưa Ông? Giai đoạn mới, các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực gì?
Ông Trần Đỗ Đạt: Nội dung tái cấu trúc (tái cơ cấu) đã được Bộ KH&CN ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1066/TTg-KGVX ngày 5.8.2021 về tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó việc tổ chức tái cơ cấu cần dựa trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí:
Bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phù hợp Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo 2021 - 2030, Phương hướng nhiệm vụ KH&CN 5 năm 2021 – 2030; Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh ngiệp với ngành hàng có lợi thế cạnh tranh; năng lực đổi mới sáng tạo và kết nối 3 nhà; hình thành đội ngũ chuyên gia, nhóm nghiên cứu mạnh; gia tăng công bố quốc tế, đăng ký sáng chế, cải thiện chỉ số GII.
Đồng thời, chú trọng thu hút nguồn lực xã hội (Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp); chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm; góp phần phát triển tiềm lực KH&CN trong trung và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, sản phẩm trọng điểm - chủ lực, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia; Gắn kết với lộ trình công nghệ các ngành, lĩnh vực; không trùng lặp về nội dung và phân bổ nguồn lực; bảo đảm kết nối và liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội trong phạm vi cả nước; giải quyết vấn đề KH&CN liên ngành, liên vùng, đa lĩnh vực. Cùng với đó, ưu tiên phát triển mô hình sinh kế gắn với đặc thù vùng, địa phương; công nghệ khai thác tài nguyên và chế biến đặc sản vùng, miền, gắn với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số định hướng lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên gồm: Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế trong bối cảnh mới, hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; gắn giá trị nhân văn về văn hoá, nghệ thuật, con người Việt Nam với phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập quốc tế; khoa học lý luận chính trị; lý luận, thực tiễn về quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học giáo dục); Lĩnh vực khoa học tự nhiên (nghiên cứu cơ bản phát triển vật lý, toán học; KHCN trong lĩnh vực hoá học, khoa học sự sống, khoa học trái đất, khoa học biển); Lĩnh vực công nghiệp (Công nghệ cơ khí và tự động hoá; công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản; công nghệ công nghiệp hoá dược; công nghệ phát triển công nghiệp môi trường; công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững); Lĩnh vực nông nghiệp (công nghệ bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản; cơ giới hoá nông nghiệp); Lĩnh vực y tế (công nghệ mới, tiên tiến trong y tế và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ; phát triển vắc xin phòng chống bệnh cho người); Lĩnh vực tài nguyên môi trường (công nghệ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển bền vững kinh tế biển); Lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, cơ yếu; Nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương (ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long; Vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc); Công nghệ công nghiệp 4.0; công nghệ cao; công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và Đô thị thông minh; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ lưu trữ năng lượng; công nghệ vũ trụ; công nghệ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; và các nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường KH&CN.
Theo Ông, cần làm gì để tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học trong việc triển khai những nhiệm vụ, chương trình KH&CN?
Ông Trần Đỗ Đạt: Trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia mà đơn vị chúng tôi đồng quản lý, hiện đã có những chính sách để khuyến khích sự liên kết giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học. Bộ KH&CN đang tái cấu trúc các chương trình. Song song với quá trình này, Bộ cũng đang hoàn thiện hệ thống Thông tư hướng dẫn.
Vì vậy theo tôi, trong các văn bản mới cần có các quy định khuyến khích việc tăng cường lấy ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực khoa học của các chương trình trong quá trình xây dựng khung và thuyết minh chương trình. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn trong việc đề xuất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đặc biệt là trong khâu xác định nhiệm vụ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả.
Việc doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu sẽ góp phần bảo đảm các nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, nhu cầu doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường năng lực nghiên cứu của các doanh nghiệp thông qua việc trao đổi, triển khai, phối hợp giữa các nhà hoa học, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp.
Vâng, xin cảm ơn Ông!
Bài, ảnh: Linh Chi
|