|
|||
Về phía khách mời có GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Chủ nhiệm Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; đồng chí Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Đại tá Lê Đình Vũ, Phó Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Viện KH&CN quân sự. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của các chủ nhiệm các dự án KH&CN tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đại biểu các đơn vị liên quan. Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, giai đoạn 2015-2020, thông qua cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án KH&CN thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai được 03 dự án và các dự án đều được tổ chức thành công, có kết quả tốt. Hội nghị lần này nhằm mục đích báo cáo kết quả triển khai các dự án, để từ đó Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng đánh giá lại một lần nữa hiệu quả của cơ chế đặc thù làm căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong giai đoạn 2021-2030. Báo cáo tại Hội nghị, 03 chủ nhiệm dự án đã khẳng định thông qua cơ chế đặc thù, 03 dự án đã được triển khai đồng bộ, đáp ứng tiến độ đặt ra. Các dự án đều được Bộ KH&CN đầu tư tới ngưỡng và sản phẩm của dự án đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của KH&CN trong lĩnh vực quân sự. 01/3 dự án đã được nghiệm thu và sản phẩm đã được sử dụng trực tiếp tại Quân chủng Hải quân góp phần quan trọng vào việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Sản phẩm cũng được Bộ Quốc phòng đặt hàng triển khai, nghiên cứu mở rộng ra các loại hình tác chiến khác nhau phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cho quân đội. 02/3 dự án còn lại sản phẩm chính đã hoàn thành và đang chuẩn bị nghiệm thu các bước theo quy định. Đây là các sản phẩm công nghệ cao lần đầu tiên được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam. Quá trình triển khai dự án đã góp phần không nhỏ vào đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau. Điều này một lần nữa khẳng định, năng lực làm chủ KH&CN của đội ngũ nghiên cứu của chúng ta.
Trao đổi tại Hội nghị, GS.TSKH Đỗ Trung Tá cho biết, Ban chủ nhiệm ban đầu rất trăn trở việc xây dựng cơ chế đặc thù cho dự án nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh khi triển khai Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Không có cơ chế đặc thù, các dự án này không thể triển khai để có các sản phẩm, đưa vào sản xuất phục vụ trang bị cho quốc phòng. Việc triển khai 03 dự án trong giai đoạn 2016-2020 là cả một nỗ lực của Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng. Qua triển khai các dự án này, Việt Nam đã lần đầu tiên làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, đặc thù trong quốc phòng. Điều này ngoài việc khẳng định năng lực làm chủ của các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam, việc làm chủ này còn giúp chúng ta chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật khi được đưa vào biên chế quân đội. GS.TSKH Đỗ Trung Tá mong rằng, với các kết quả đã đạt được của Chương trình giai đoạn 2015-2020 trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án KH&CN thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh khi tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp đánh giá cao các kết quả của các dự án đã triển khai trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt việc làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo tiết kiệm nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật cũng như công tác đảm bảo kỹ thuật. Đồng chí Giang cũng lưu ý các chủ nhiệm dự án cần báo cáo Bộ Quốc phòng để tìm nguồn kinh phí nhân rộng các kết quả của dự án, đưa vào trang bị cho quân đội. Về cơ chế đặc thù, Bộ Tài chính ủng hộ và sẽ đồng hành cùng Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao kết quả các dự án đã đạt được. Điều này khẳng định một lần nữa năng lực làm chủ công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Các kết quả đạt được đã khẳng định hiệu quả đầu tư cho KH&CN thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cảm ơn sự ủng hộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đối với Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng trong thời gian qua. Thời gian tới, Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù cho Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng cần rà soát, nghiên cứu và đề xuất các định hướng nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ cao để có thể triển khai ngay khi Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù.
Tin, ảnh: PV |