Đó là kết quả của đề tài “Nghiên cứu ngư trường và công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống phục vụ nuôi thương phẩm” (Mã số KC.06.07/06-10) do TS. Nguyễn Long – Viện nghiên cứu hải sản làm chủ nhiệm đề tài được tiến hành nghiệm thu cấp nhà nước ngày 16.3.2011 tại Hà Nội.
Một công trình táo bạo
Hiện nay, nghề nuôi cá ngừ đại dương đang có xu hướng mở rộng và một số nước đã tiến hành nuôi thành công như Úc, Pháo, Italia, Hy Lạp, Lybia… Để phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở nước ta, việc đầu tiên là phải nghiên cứu khai thác thành công cá ngừ đại dương giống (CNĐDG) từ ngoài biển. Việc triển khai đề tài gặp rất nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có đội tàu săn bắt cá ngừ bằng lưới vây hiện đại như các nước trong khu vực, tàu thuyển, ngư cụ và trình độ khai thác của các tàu cá nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu của khai thác cá ngừ, một loài cá bơi nhanh và khó khai thác.
Đề tài do TS. Nguyễn Long làm chủ nhiệm tập trung nghiên cứu ứng dụng mô hình khai thác cá ngừ đại dương giống của nước ngoài vào hoàn cảnh cụ thể của nghề cá nước ta. Đặc biệt quan tâm đến kỹ thuật khai thác cá ngừ đại dương giống từ lưới vây sang lồng lưu giữ cá, thiết kế lồng vận chuyển phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam, kỹ thuật vận chuyển cá…
TS. Hoàng Hoa Hồng - Ủy viên hội đồng cho rằng chủ nhiệm đề tài đã rất dũng cảm khi nhận thực hiện nhiệm vụ này, đây là một công trình táo bạo, lại mang ý nghĩa thực tế, mở ra phương pháp nghiên cứu mới. Bằng những phương tiện hết sức thô sơ đã đưa được nghiên cứu thực nghiệm vào thực tế và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tiền đề phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương tại Việt Nam
Sau 3 năm thực hiện, (từ tháng 12/2007 – tháng 12/2010) đề tài đã thành công trong việc xác định được bãi phân bố giống của hai loài cá ngừ (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to) ở những đỉnh gò chìm. Đây là một cơ sở khoa học quan trọng, khẳng định chắc chắn có cá ngừ giống tại vùng biển Việt Nam, tạo đà cho các nội dung tiếp theo là nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống.
Việc chế tạo thành công lồng vận chuyển CNĐDG của đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. CNĐDG sau khi đánh bắt bằng lưới vây sẽ được chuyển sang lồng có kích thước lớn để vận chuyển về bờ. Việc chuyển cá ngừ giống từ lưới vây sang lồng được tiến hành bằng cách liên kết “cửa lồng” với lưới vây, sau đó gạn dần lưới vây để cá bơi từ lưới vây qua “cửa lồng” sang lồng mà hoàn toàn không phải bắt cá lên khỏi mặt nước. TS. Nguyễn Long cho biết để vận chuyển cá từ nơi khai thác về cơ sở nuôi gần bờ có thể mất vài ngày đến vài tuần tùy thuộc vị trí của ngư trường khai thác và tình hình thời tiết. Vì vậy trong điều kiện nghề cá nước ta, kích thước tàu cá nhỏ, sức kéo hạn chế, việc nghiên cứu để thiết kế lồng vận chuyển phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam là rất cần thiết.
TS. Nguyễn Duy Chỉnh – chuyên gia thẩm định đề tài cho biết, chưa tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài, việc vận chuyển được hơn 700 con cá ngừ giống về cơ sở nuôi (vượt qua con số đăng ký 700 con) là thành công rất lớn của những người tham gia thực hiện đề tài. Đây là một đề tài có tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Việt Nam
Có thể nói đây là lần đầu tiên kỹ thuật khai thác giữ sống và vận chuyển thành công CNĐDG được áp dụng ở nước ta. Kết quả nghiên cứu thành công của đề tài đã mở ra tiền đề rất quan trọng để phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương tại Việt Nam trong tương lai.
Trần Hồng
|