|
|||
Đam mê nghiên cứu “vi sinh vật học” Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, Thu Hằng đã ấp ủ ước mơ trở thành nhà khoa học chuyên nghiên cứu vi sinh vật học. Năm 2002, chị thi đỗ Khoa Sinh học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, chị được chuyển tiếp đào tạo cao học chuyên ngành Vi sinh vật học tại trường. Tháng 4-2009, niềm vui nhân đôi khi chị vừa nhận tấm bằng thạc sĩ, vừa nhận quyết định công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Y dược học Quân sự (nay là Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự)/Học viện Quân y. Chỉ một thời gian ngắn về công tác tại Viện, Đinh Thị Thu Hằng được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Thư ký khoa học Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình xác định nhanh vi khuẩn lao kháng thuốc bằng kỹ thuật sinh học phân tử”. “Thời điểm đó, bệnh lao vẫn là một bệnh trong “tứ chứng nan y”. Trên thế giới đã có một số kit thương phẩm chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao kháng thuốc nhưng vì chưa có dữ liệu về đặc điểm phân tử của vi khuẩn lao kháng đa thuốc ở Việt Nam nên không có cơ sở sử dụng. Bên cạnh đó, các bộ kit do nước ngoài sản xuất có giá thành cao, vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển thành công bộ kit PCR đa mồi với giá thành bằng nửa so với kit ngoại nhưng hiệu quả vượt trội vì chứa 3 gene đích. Thành công của Đề tài đã giúp ngành Y tế hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh lao ra cộng đồng, giảm thiểu biến chứng ở người bệnh và giúp kiểm soát được bệnh tốt hơn trước rất nhiều” - Đại úy Hằng chia sẻ. Niềm đam mê với “vi sinh vật học” đã thôi thúc chị nỗ lực nhiều hơn, tìm ra những hướng nghiên cứu mới, đem lại hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn cao. Điển hình nhất phải kể đến Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử chẩn đoán ký sinh trùng sốt rét và mô hình kết hợp quân dân y trong phòng chống bệnh sốt rét ở khu vực trọng điểm” do chị làm Chủ nhiệm đề tài nhánh, đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình chế tạo bộ sinh phẩm dựa trên kỹ thuật Real- time PCR để phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Bên cạnh đó, chị cũng đã xây dựng được mô hình kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét ở khu vực trọng điểm, có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương, bổ sung thêm cho chương trình quốc gia về phòng chống sốt rét. Tạo kỳ tích với bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” Ngay từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Học viện Quân y đã thành lập 05 tổ công tác phòng chống dịch (PCD), trong đó, tổ và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự là nòng cốt. Thời gian đó, Đại úy, TS. Đinh Thị Thu Hằng tham gia thực hiện huấn luyện quy trình thực hiện xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng bộ sinh phẩm real-time RT-PCR của Học viện Quân y nghiên cứu (phục vụ tổ chức huấn luyện quân y toàn quân); tham gia xây dựng thuyết minh và thực hiện chính đề tài độc lập cấp quốc gia; “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi-rút Corona mới 2019 (2019-nCoV). Sau hơn 1 tháng thực hiện, chị cùng các đồng nghiệp đã có sản phẩm phục vụ chống dịch Covid-19 - đây là bộ sinh phẩm đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo phát hiện, cách ly, theo dõi, quản lý điều trị hiệu quả cũng như góp phần trong công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Công trình thành công giữa lúc dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam và có thể bùng phát phức tạp, trong khi, Việt Nam chỉ được thế giới hỗ trợ số lượng test vô cùng ít ỏi (khoảng 50 test cho cả nước); nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế trang thiết bị y tế và vật tư sinh phẩm bán ra nước ngoài. Do đó, việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn, đã trở thành một sự kiện y học thế giới năm 2020, bởi chỉ sau hơn 01 tháng nghiên cứu và phát triển, nếu thông thường phải mất tới 04 năm mới cho những sản phẩm tương tự. Với những đóng góp, cống hiến của mình, Đại úy, TS. Đinh Thị Thu Hằng liên tục đạt Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp học viện, toàn quân, bộ, ngành và toàn quốc. Chị được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho nhóm tác giả đạt giải thưởng Bảo Sơn đặc biệt năm 2020; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCD bệnh Covid-19; Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia hoạt động Tháng Thanh niên năm 2020. Đặc biệt, chị là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2020. Nguồn: qdnd.vn |