|
|||
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, bộ đội TTLL khẩn trương điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng, quy hoạch hệ thống thông tin quân sự, triển khai xây dựng trục TTLL chiến lược Bắc-Nam nhằm tạo ra hệ thống TTLL quân sự với nhiều phương thức liên lạc, phương tiện hiện đại. Ngày 27-9-1976, Tư lệnh Binh chủng Thông tin ký quyết định thành lập Viện Kỹ thuật Thông tin - nay là Trung tâm KTTT CNC - trực thuộc Bộ tư lệnh TTLL. Sự ra đời của Viện Kỹ thuật thông tin (KTTT) đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết của Binh chủng trong công tác nghiên cứu, bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống TTLL quân sự, đánh dấu bước trưởng thành mới của ngành Kỹ thuật Binh chủng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, vượt qua mọi khó khăn, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Viện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị thông tin làm nhiệm vụ ở phía Nam nghiên cứu, tận dụng, khai thác nhiều loại trang bị khí tài thông tin thu được của địch và trong hệ thống viễn thông liên kết ở miền Nam; tổ chức kết nối với hệ thống TTLL ở miền Bắc, tạo thành đường trục TTLL quân sự chiến lược Bắc-Nam. Hàng ngàn trang tài liệu về tính năng kỹ chiến thuật, quản lý khai thác hệ thống viễn thông liên kết đã được biên dịch, biên soạn và tổ chức tập huấn cho nhân viên khai thác thông tin. Hệ thống viễn thông ở miền Nam hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTLL cho lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, củng cố các vùng mới giải phóng ổn định và từng bước phát triển kinh tế xã hội.
Cán bộ của Trung tâm trực tiếp lắp đặt, huấn luyện sử dụng VSAT tại thực địa Trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam, cùng với việc tập trung chỉ đạo củng cố, cải tạo, phát triển có trọng điểm mạng lưới TTLL, Binh chủng TTLL tiến hành xây dựng Tổng trạm thông tin sở chỉ huy cơ bản của Bộ. Nhận nhiệm vụ được giao, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thiết kế, lắp đặt thiết bị thông tin giúp Bộ Tổng Tham mưu liên lạc với các hướng trên mạng hữu tuyến điện chiến lược Bắc – Nam; cùng với Nhà máy Thông tin M1 nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy phát 50W P50 đầu tiên, được binh chủng đưa vào sản xuất để trang bị cho các đơn vị thông tin. Tiếp đó, Viện đã tổ chức nghiên cứu, lắp ráp thử nghiệm một bộ xe tổng trạm với các thiết bị vô tuyến điện tiếp sức, hữu tuyến điện, điện báo truyền chữ, thiết bị điều khiển xa… đạt các chỉ tiêu kỹ thuật, được cơ quan tác chiến Bộ Tổng Tham mưu nghiệm thu, cho phép đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm TTLL cơ động phục vụ sở chỉ huy cấp chiến dịch. Thành công này, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc để Viện triển khai nghiên cứu, lắp ráp các bộ xe tổng trạm thông tin cấp chiến lược với nhiều trang bị khí tài CNC, phương thức liên lạc tiên tiến những năm sau này. Song song với thực hiện nhiệm vụ trong nước, tháng 8-1978, hàng chục cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã tham gia đoàn cán bộ của binh chủng giúp bộ đội thông tin nước bạn Lào xây dựng trung tâm thông tin quân sự tại thủ đô Viêng Chăn. Ngay sau ngày đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, nhiều cán bộ kỹ thuật của Viện đã nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh tổng trạm thông tin Bộ Quốc phòng Campuchia (T5-81) tại thủ đô Phnompenh. Trung tâm nhiều lần được tin tưởng lựa chọn tham gia các hoạt động đối ngoại quốc phòng ở trong và ngoài nước Cùng với việc tham gia tổ chức quy hoạch mạng lưới, trang bị thông tin, Viện đã chủ động đề xuất tham mưu cho Binh chủng TTLL về chiến lược đổi mới, phát triển, hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự, xây dựng hạ tầng CNTT theo hướng số hóa, tự động hóa, phù hợp với thế bố trí chiến lược mới của toàn quân. Hệ thống chuyển mạch được binh chủng chọn là khâu đột phá trong chiến lược hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự. Đội ngũ cán bộ nhân viên của viện bước vào thực hiện nhiệm vụ mới binh chủng giao bằng cả niềm say mê, nhiệt huyết và ý chí quyết tâm vươn lên làm chủ KHKT. Trong thời gian chưa đầy 2 năm, mạng chuyển mạch quân sự ở 3 trung tâm Hà Nội - Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh đã được thiết lập và đưa vào sử dụng. Năm 1997, Binh chủng được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý, xây dựng công trình thông tin cáp quang quân sự dọc đường dây 500KV Bắc – Nam, viện đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật đầu ngành tham gia công trình từ khâu khảo sát, thiết kế, lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật; lựa chọn giải pháp kỹ thuật, lựa chọn đối tác, công nghệ, mua sắm thiết bị, tổ chức huấn luyện lực lượng kỹ thuật đến việc trực tiếp tham gia thi công lắp đặt thiết bị, công trình… Sau nhiều tháng lao động miệt mài, gian khổ và đầy sáng tạo, giai đoạn 1 công trình đường trục cáp quang quân sự Bắc Nam hoàn thành. Ngày 16-1-1999 thông tuyến kỹ thuật, đưa vào khai thác, kết nối liên lạc giữa các tổng đài KTS ở 3 khu vực Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh, góp phần tăng dung lượng, chất lượng, bảo đảm bí mật thông tin. Tiếp đó là hơn 17.000km cáp quang vươn dài, trải rộng khắp mọi miền đất nước và đến các đảo tiền tiêu quan trọng đã nâng cao dung lượng, độ vững chắc, tính độc lập của mạng truyền dẫn quang quân sự, đồng thời mở ra triển vọng phát triển các dịch vụ viễn thông phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, đến tháng 4-2000, đơn vị chính thức mang tên Trung tâm KTTT CNC. Trung tâm tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện KTTT trước đây, trong đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ thông tin quân sự, bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống TTLL và trang bị khí tài thông tin quân sự… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện đại hoá hệ thống TTLL quân sự. Cùng với sự phát triển của hệ thống cáp quang, mạng truyền dẫn viba số, hệ thống tổng đài kỹ thuật số cũng không ngừng phát triển. Trung tâm tập trung nghiên cứu, huấn luyện và trực tiếp bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống trang bị khí tài mới. Những công trình thông tin quan trọng góp phần đổi mới căn bản hệ thống TTLL quân sự được trung tâm thực hiện có thể kể đến như: Thiết kế, lắp đặt thiết bị và đưa vào khai thác các bộ tổng trạm thông tin cơ động cấp chiến lược; xe thông tin cơ động cấp chiến dịch; phát triển mạng truyền số liệu quân sự, nối mạng máy tính toàn quân, làm nền tảng cho thực hiện tự động hóa chỉ huy; xây dựng, lắp đặt thiết bị, triển khai, phát triển và bảo đảm kỹ thuật cho dự án VSAT, thành phần Bộ Quốc phòng giai đoạn 1, giai đoạn 2; thiết kế, lắp đặt, củng cố, phát triển nâng cấp chất lượng hệ thống mạng Radio trunking; bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống truyền hình giao ban xa... Với tinh thần nhiệt huyết, cán bộ, nhân viên trung tâm đã không ngừng nỗi lực, sáng tạo trong công tác BĐKT, nghiên cứu khoa học, từng bước làm chủ hệ thống thông tin liên lạc quân sự, trang bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến; sản xuất, sửa chữa các linh kiện, bảng mạch của thiết bị, góp phần quan trọng trong việc chủ động bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống, hạn chế sự phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, huấn luyện công tác khai thác, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị thông tin toàn quân theo phân cấp; các tài liệu huấn luyện, quy trình công nghệ thường xuyên được biên soạn, cập nhật đã giúp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật thông tin toàn quân nâng cao trình độ khai thác, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTLL theo vùng miền. Với những thành tích tiêu biểu đó, Trung tâm KTTT CNC đã được Đảng, Nhà nước, quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống, Trung tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thành công của Đại hội Đảng bộ Trung tâm lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2025, là tiền đề để trong thời gian tới đơn vị tiếp tục tạo nên những bước tiến mới trong nghiên cứu khoa học Tự hào truyền thống cùng những kết quả và thành tích đã đạt được, trong giai đoạn cách mạng mới, với những yêu cầu ngày càng cao, nhất là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ Trung tâm KTTT CNC cần không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, tinh thần sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm; nhanh chóng tiếp cận nền khoa học tiên tiến trên thế giới và khu vực; ứng dụng hiệu quả vào thực tế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược, có nhiều sản phẩm nghiên cứu công nghệ cao được đưa vào hệ thống TTLL quân sự; xây dựng trung tâm ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Binh chủng TTLL tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|