Bản in
Nhà khoa học nữ của nông dân
Trải qua hơn 30 năm gắn bó với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà dồn tất cả đam mê, trí tuệ để nghiên cứu ra những chế phẩm sinh học tăng hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp, tránh độc hại cho nông dân và bảo vệ môi trường. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, trưởng Bộ môn phòng trừ sinh học, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, người vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2010.

Tâm huyết với nhà nông
Năm 1980, với chiếc bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay, cô sinh viên Nguyễn Thị Lộc đã  từ bỏ lời mời ở lại trường giảng dạy, quyết tâm “Nam tiến” để lập nghiệp. Hồi đó, khi mới đầu quân cho Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL (tiền thân Viện lúa ĐBSCL) TS Nguyễn Thị Lộc không khỏi chạnh lòng và lo lắng cho tương lai khi thấy cơ sở vật chất ở nơi đây còn quá khó khăn. Nhìn cảnh bà con nông dân phải chịu oằn mình dưới cái nắng chang chang để phun thuốc trừ sâu hại lúa, hay phải dùng nước có thể ô nhiễm thuốc trừ sâu để sinh hoạt đã khiến cô sinh viên trẻ băn khoăn và từ đó nung nấu ý ước mơ giúp tạo ra loại thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học thay thế những chất hóa học đề giúp bà con nông dân  tránh được sự độc haị của loại thuốc này .
Bằng quyết tâm cộng với sức trẻ tràn đầy, năm 1989 cô được cử đi bảo vệ Thạc sĩ và làm bằng Tiến sĩ ở Ấn Độ. Năm 1995 cô lại trở về công tác tại Viện lúa ĐBSCL. Cũng từ đây TS được giao trọng trách làm Trưởng bộ môn Bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học của Viện Lúa ĐBSCL.
TS Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: lúc TS sang Ấn Độ để làm học tập, TS luôn tâm niệm rằng phải làm sao tìm ra được cách nào đó chế ra những chế phẩm sinh học tránh được độc hại cho bà con nông dân mà vẫn bảo vệ được mùa màng. Sau này khi đến kỳ bảo vệ TS đã đề nghị với thầy hướng dẫn cho TS được làm đề tài “Khai thác tiềm năng phòng trừ sinh học của nấm trắng Beauveria bassiana đối với các loại rầy hại lúa”, đề tài này đã giúp TS có được tấm bằng Tiến sĩ danh giá.
Khi trở về nước, đó là lúc mà những kiến thức TS tích lũy được từ nước bạn có cơ hội cho TS ứng dụng. Từ 1995, TS cùng cộng sự của mình miệt mài nghiên cứu ra những chế phẩm sinh học. TS đã cùng với các cộng sự thu thập, phân lập và tuyển chọn ra rất nhiều dòng nấm xanh và nấm trắng từ côn trùng bị nhiễm tự nhiên ngoài đồng ruộng, trong đó có hai dòng nấm có hiệu quả diệt trừ một số sâu hại trên lúa, rau màu và cây ăn trái. Từ đây, ý tưởng nung nấu của TS từ khi còn là cô sinh viên tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 mới ra trường đã dần đơm hoa kết trái.
15 năm đã trôi qua,  TS Nguyễn Thị Lộc đã luôn luôn sát cánh bên người nông dân, giúp họ thoát được cảnh phải tiếp xúc với thuốc hóa học độc hại. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời của người làm công tác nghiên cứu khoa học.

15 năm giúp nông dân “tránh độc hại”
TS Nguyễn Thị Lộc cho biết, với những kiến thức học được ở nước bạn, năm 2002, TS cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công đề tài “Quy trình sản xuất hai chế phẩm sinh học M.a và B.b để quản lý các loài sâu hại lúa của Viện Luá ĐBSCL”. Hai chế phẩm sinh học này đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay hai sản phẩm này đã có mặt trên thị trường với tên thương mại là Ometar (sản xuất từ chủng nấm xanh M.a(OM2 -B)) và Biovip. Đặc biệt, hai chế phẩm sinh học này không gây ảnh hưởng xấu tới thiên địch của sâu hại, an toàn cho con người, hệ sinh thái và môi trường.
Từ năm 2007 tới 2009, TS cùng cộng sự đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước là “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip”, dự án đã có nhiều kết quả phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp như: đã hoàn thiện 2 quy trình sản xuất Ometar và Biovip ở quy mô lớn, quy trình này đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế vào tháng 07/2009; đã sản xuất ra 45,9 tấn chế phẩm Ometar/Biovip phục vụ tốt cho công tác phòng chống rầy nâu hại lúa tại các tỉnh ở ĐBSCL theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.
Đặc biệt, Năm 2009 TS và các cộng sự của mình đã đề xuất quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ”, đây là một công trình có nhiều sáng tạo, là tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp nên đã được Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và lãnh đạo Bộ KH&CN đánh giá rất cao và cho ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm thành công trên 25ha lúa giống tại Viện Lúa ĐBSCL, vụ Đông Xuân 2008-2009, quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” đã được thủ nghiệm tại Mỹ Xuyên - Sóc Trăng cho thấy chế phẩm Ometar tươi có hiệu lực cao đối với rầy nâu.
Năm 2009 quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm Ometar ở quy mô nông hộ” đã được chuyển giao cho bà con nông dân 3 huyện Cầu Kè, Châu Thành và Trà Cú (Trà Vinh). Qua đó, nông dân của 3 huyện nói trên đã tự sản xuất được 1.564 gói chế phẩm nấm xanh Ometar đủ để phòng trừ rầy nâu cho 205ha lúa trong các vụ lúa Hè Thu, vụ lúa Đông Xuân. Hiệu quả kinh tế của chế phẩm này thấp hơn từ 7- 8 lần so với phun thuốc hoá học thông thường.
Vụ Hè Thu 2010, quy trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ” cũng đã được chuyển giao cho nông dân của xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Bà con nông dân tại đây đã tự sản xuất được 441 túi chế phẩm nấm xanh Ometar để phòng trừ rầy nâu hiệu quả cho 44 ha lúa của xã Định Hòa.
Sản phẩm Ometar tươi sản suất ra từ quy trình này có hiệu quả cao đối với rầy nâu hại lúa. Giá chế phẩm nấm xanh Ometar mà nông dân tự sản xuất để phun trừ rầy nâu hại lúa tính theo giá hiện hành có bao gồm cả công lao động của nông dân thì cũng chỉ có 50.000đ/ha cho một lần phun, giảm hơn nhiều so với thuốc hoá học, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hiện nay, quy trình sản xuất chế phẩm Ometar đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế..
Trong thời gian tới, Viện sẽ thực hiện tiếp chủ trương “xã hội hoá” công tác sản xuất chế phẩm sinh học Ometar để phòng trừ rầy nâu đồng bộ, hiệu quả tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, còn hàng loạt những công trình nghiên cứu của TS cùng cộng sự như: “Nghiên cứu và sản xuất thuốc trừ sâu sinh học để sử dụng trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây có múi”; “Nghiên cứu phát triển rau an toàn (chú trọng rau bản địa) cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; “Nghiên cứu tiềm năng phòng trừ sinh học của một số lọai nấm ký sinh côn trùng trên lúa, rau màu và cây ăn trái”;..đều chứng tỏ một điều rằng TS chính là nhà khoa học của nông dân và vì nông dân.

Phương Hoàn – Phương Nga