|
|||
Anh có thể chia sẻ về lĩnh vực mà anh đang theo đuổi? Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh: Tôi theo đuổi nghiên cứu về Internet vạn vật (IoT) và các thế hệ mạng tương lai như 5G, 6G, và cả blockchain. Internet hiện tại chủ yếu kết nối mạng máy tính và điện thoại truyền thông với nhau. Trong tương lai Internet vạn vật sẽ kết nối vạn vật từ các thiết bị trong nhà cho tới xe, và thậm chí cả cơ thể của chúng ta vào Internet. Từ đó, Internet vạn vật sẽ giúp số hóa và tự động hóa nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, cho tới y tế…Thử tưởng tượng, trong tương lai chúng ta không còn phải tới bệnh viện để khám bệnh, mà sức khỏe của chúng ta có thể được dõi 24/7 bởi những thiết bị chúng ta đeo và mặc trên người, nhớ đó, giúp chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh hay các vấn đề về sức khỏe theo thời gian thực. Hiện tại tôi đang theo đuổi phát triển một diễn đàn về công nghệ blockchain, tên là Blockchain Foundation DEV&TECH Forum, để phổ biến kiến thức blockchain hoàn toàn miễn phí, nhằm xây dựng một đội ngũ các nhà phát triển và nhà nghiên cứu giỏi về blockchain cho Việt Nam. Khi tìm hiểu sâu về công nghệ này, tôi nhận thấy đây là một công nghệ có khả năng tạo sự đột phá cho hệ thống mã nguốn mở, thay đổi cách chúng ta xây dựng, ứng dụng và sử dụng Internet, điều mà có thể dẫn đến thay đổi các mô hình kinh doanh. Các công nghệ giúp cải tiến năng suất như AI, BigData, IoT,...đều có giá trị lớn với thị trường, nhưng những công nghệ làm thay đổi mô hình kinh doanh sẽ có khả năng làm thay đổi cả thị trường, giống như công nghệ Internet những năm 1990. Tôi nhận thấy cơ hội của Việt Nam trong thời kỳ sớm của công nghệ này rất lớn, tuy nhiên nhận thức của mọi người về công nghệ này đa phần chưa đúng. Vì thế tôi muốn góp phần trong việc phát triển đội ngũ nhân lực và giáo dục đào tạo cho công nghệ này ở Việt Nam, với mong muốn Việt Nam chúng ta sẽ có nhiều startup công nghệ thành công trong lĩnh vực này. Được biết, anh đã đạt được rất nhiều thành công, anh có thể chia sẻ về một số kết quả mà cá nhân anh đã đạt được? Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh: Tôi ước mình có nhiều thời gian để đóng góp cho khoa học và công nghệ nhiều hơn. Dù chưa làm được gì nhiều, nhưng với sự nỗ lực của mình, năm 2020, tôi may mắn nhận được sự công nhận đóng góp cho khoa học của nhà nước với giải thưởng khoa học công nghệ quả cầu vàng và TOP 10 thanh niên tiêu biểu Việt Nam, là đại diện cho lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cũng năm 2020, tôi may mắn nhận được sự công nhận đóng góp cho khoa học và quan hệ giữa Việt Nam – Hàn Quốc của chính quyền thành phố Seoul với giải thưởng công dân nước ngoài tiêu biểu. Tôi cũng nhận được một số giải thưởng bài báo xuất sắc từ các hội nghị quốc tế và cơ hội được làm việc thỉnh giảng tại trường đại học số 1 thế giới về khoa học và công nghệ, viện đại học MIT. Tuy nhiên kết quả có ý nghĩa nhất với tôi đó là những nghiên cứu của mình được ứng dụng trong thực tế. Mới đây, mình và nhóm nghiên cứu vừa hoàn thành một đề tài lớn, là một phần trong gói được đầu tư gần 1.7 tỷ USD bởi chính phủ Hàn Quốc với sự tham gia của các tập đoàn lớn, để triển khai mạng lưới thông tin liên lạc về an toàn thiên tai quốc gia trên diện rộng đầu tiên trên thế giới dựa trên công nghệ mạng thế hệ mới. Hệ thống mạng này vừa được triển khai thực tế trên toàn Hàn Quốc. Trước đó tôi cũng tham gia phát triển một hệ thống cổng mạng cho công nghệ 6LoWPAN giúp kết nối Internet vạn vật và Internet của chúng ta, hệ thống này sau đó đã được mua lại bởi một tập đoàn lớn.
Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh nhận giải thưởng bài báo cáo xuất sắc tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019. Trong tương lai anh có trở về Việt Nam không? Anh có thể chia sẻ thêm các dự định của mình trong thời gian tới? Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh: Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ trở về, ngày tôi dự định cũng tới gần. Tôi quan tâm tới lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục ở Việt Nam, vì thế dù đang không ở trong nước, tôi vẫn luôn có những hoạt động trên hai lĩnh vực này ở Việt Nam. Dịch covid-19 làm thay đổi mọi thứ, từ cách giao tiếp đến phương tiện đi lại, vì thế các dự định của mình cũng bị thay đổi nhiều. Việt Nam mình đã dừng các chuyến bay từ nước ngoài, vì thế gia đình mình đã đăng ký chuyến bay từ năm ngoái, nhưng cũng chưa có. Mình hi vọng dịch covid-19 sớm kết thúc để Việt Nam chúng ta yên tâm phát triển. Mình thấy đây là cơ hội lớn cho Việt Nam, và Vợ chồng mình dự định sẽ hỗ trợ để có nhiều quỹ đầu tư công nghệ và công ty công nghệ lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Anh đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học và công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước? Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh: Tôi may mắn được đi nhiều nơi để hiểu về cách phát triển của nhiều nước. Tối thấy rằng ở thời đại ngày nay, khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong sự phát triển của bất cứ quốc gia nào, Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Tài nguyên thiên nhiên luôn có giới hạn chứ sự phát triển của khoa học và công nghệ thì không. Tôi đang sống ở một đất nước mà tài nguyên thiên nhiên hầu như rất ít, sự phát triển của họ hoàn toàn dựa trên công nghệ, nên tôi nhận thức được khoa học và công nghệ quan trọng như thế nào. Việt Nam chúng ta cũng rất coi trọng khoa học và công nghệ và định hướng phát triển theo hướng này, theo tôi là hoàn toàn chính xác. Chúng ta sẽ dần nâng cao chất lượng giáo dục và nhân lực khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn đầu này, chúng ta vẫn cần công nghệ và sự đầu tư từ nước ngoài. Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ và đào tạo đúng đắn, tôi hi vọng chúng ta sẽ sớm bước qua giai đoạn hai, khi mà Việt Nam chúng ta hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, chủ động về vốn, và trở thành một nước tích cực tham gia đóng góp về khoa học và công nghệ với thế giới. Với một nguồn nhân lực mạnh về cả chất lượng và số lượng, tôi tin chúng ta sẽ làm được. Anh có thể chia sẻ cảm nhận của anh về ngày KH&CN Việt Nam 18/5 sắp đến? Giáo sư tập sự Đinh Ngọc Thạnh: Trước tiên, việc Việt Nam chúng ta có một ngày riêng cho KH&CN thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của đảng, nhà nước và nhân dân trong việc coi trọng, xây dựng và phát triển KH&CN Việt Nam. Ý nghĩa rất lớn lao, để tới ngày này mỗi năm chúng ta lại nhìn lại bản thân và nhắc nhở nhau về tầm quan trọng của KH&CN và một mục tiêu còn đó của bản thân, của đất nước. Mỗi chúng ta cùng cố gắng trang bị và trau dồi kiến thức KH&CN, chúng ta sẽ có một đất nước KH&CN, từ đó việc trở thành một nước phát triển chỉ là vấn đề thời gian. Bài, ảnh: Đăng Minh |