|
|||
Khi thực hiện chiến dịch “Startup và người đồng hành”, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã được lắng nghe nhiều câu chuyện đầy cảm hứng về mối quan hệ gắn bó giữa startup và người đồng hành của mình. Không chỉ là quan hệ giữa nhà đầu tư và startup, họ đã trở thành những người bạn gắn bó thân thiết và cùng nhau nỗ lực cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tạo ra những giá trị lớn Thời gian qua, Bộ KH&CN với vai trò “bà đỡ” đã triển khai nhiều chương trình, dự án là nền tảng nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo điều kiện cho startup cất cánh. Cụ thể như: Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan; Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam. Đặc biệt, Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã tập trung nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết, truyền thông. Kết quả đưa đến hình thành một thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới với việc phát triển các mô hình, giải pháp mới ứng dụng công nghệ 4.0 trong nhiều lĩnh vực như: Abivin (giải pháp tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng), Nami (phần mềm quản lý nhà cho thuê), Ekid (ứng dụng đồ chơi và giáo cụ thông minh), Medlink (giải pháp kết nối các nhà thuốc)… Đáng chú ý, có hai startup được định giá hơn một tỷ USD là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 startup được định giá hơn 100 triệu USD. Ngoài ra, có 61 quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018, 57 cơ sở ươm tạo và 25 tổ chức có triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh, tăng gấp từ ba đến bốn lần so với năm 2016, 170 khu cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp...
Lê Hoàng Thạch – CEO của WeWe – Startup ra đời ứng dụng Voiz FM Việt Nam hiện có khoảng hơn 100 quỹ đầu tư nội và ngoại hoạt động. Không chỉ mang đến nguồn tài chính dồi dào, các quỹ đầu tư còn mang tới cho các startup nhiều giá trị khác ngoài tiền. “Với ý tưởng kinh doanh sách nói có bản quyền, chúng tôi tìm đến PK Investment – một quỹ đầu tư nội. PK đã cho WeWe niềm tin mình không đơn thương độc mã”, Lê Hoàng Thạch - CEO của WeWe – Startup ra đời ứng dụng Voiz FM chia sẻ. Không chỉ đầu tư nguồn tài chính ban đầu, PK Investment còn chia sẻ với Lê Hoàng Thạch và các cộng sự những phương án kinh doanh khác biệt, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm phù hợp với văn hóa Việt Nam. WeWe cũng được hưởng lợi từ danh mục đầu tư và mối quan hệ của đội ngũ sáng lập quỹ như đối tác phân phối sản phẩm, nhà cung cấp bản quyền sách, bản quyền nhạc,... Không chỉ các startup trong nước mà startup được đào tạo khởi nghiệp bài bản ở nước ngoài như Mỹ hay Canada... khi mở tại thị trường Việt Nam vẫn cần được hỗ trợ. Điều này được xem là tất nhiên bởi một thị trường bản địa luôn có những khác biệt và rất cần kinh nghiệm từ những cố vấn. “Tôi đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ BLOCK71 - một chương trình hợp tác của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS)” – Nguyễn Nhật – CEO của Otrafy – 1 startup Việt có trụ sở ở Mỹ nói. Mỗi tuần, anh luôn đều đặn tham gia các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ cố vấn hay từ các startup đã thành công ở thị trường Việt Nam, về cách xây dựng đội ngũ, tiếp cận thị trường đặc thù ở Việt Nam và Đông Nam Á, cách vận hành công ty, phương thức làm việc với doanh nghiệp lớn. Thậm chí, Otrafy đã được BLOCK71 kết nối với nhiều doanh nghiệp lớn, phải kể đến như Masan - điều mà không phải startup nào cũng dễ dàng làm được. Các cố vấn độc lập luôn có nhiều các hoạt động hỗ trợ startup, chỉ khác là họ làm một cách âm thầm và nuôi dưỡng cho những startup thật sự có tâm huyết. “Họ giống như anh chị lớn trong nhà, có hàng chục năm kinh nghiệm, thấy mấy đứa nhỏ vào nghề, nó cần thì giúp”, Lê Hoàng Thạch, CEO WeWe chia sẻ. “Bởi vậy, lúc nào mắc, gọi điện lên hỏi là được”. Trần Thanh Tùng – BOD của Loli & The Wolf – Startup Mỗi cuộc gặp khoảng 15-30 phút nhưng giá trị khó đo đếm được. Theo lời kể của anh Trần Thanh Tùng – BOD của Loli & The Wolf – Startup chuyên nghiên cứu và cung cấp các dòng sản phẩm hỗ trợ giới tính thì chỉ 30 phút ngồi cùng cố vấn đã chỉ ra vấn đề của startup mình khi lỗ tới 1,6 tỉ VNĐ trong tháng 3/2020. Và kể từ đó đến nay, lợi nhuận của công ty luôn duy trì mức trên 15%. Thậm chí, tại một cuộc gặp gỡ với trưởng làng y tế Ngô Thanh Sơn tại Techfest 2020 của Bộ KH&CN, CEO Hạnh Nguyễn của Deepcare – Startup chuyên cung cấp giải pháp y tế đã ví sự nghiệp kinh doanh của mình ở thời điểm đó như một cuộc lột xác sau nhiều năm thất bại liên tiếp. “Và nhờ sự thay đổi đó, sau nhiều năm loay hoay, chúng tôi được chỉ cách đi vào thị trường y tế đặc thù. Tháng 6/2021 chúng tôi sẽ triển khai thử nghiệm cho bệnh viện đầu tiên”, anh Hạnh Nguyễn nói. Hỗ trợ của các tổ chức phát triển và niềm tin từ cộng đồng
Đoàn Xuân Quang - Ceo Việt sử Giai thoại Nhìn sâu hơn vào hệ sinh thái, trò chuyện nhiều hơn với các startup mới thấy, không chỉ có các quỹ đầu tư, những doanh nhân mới quan tâm tới startup, thời gian qua, cũng có nhiều các tổ chức phát triển hay cộng đồng đã giúp mang lại nhiều hơn những cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Điều này đã giúp cho FUWA – một startup chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học từ vỏ trái cây của nhà sáng lập Đỗ Xuân Tiến hiện thực hoá khát vọng vừa kinh doanh vừa tạo ra tác động xã hội tích cực thông qua các sản phẩm không hoá chất, 100% tự nhiên. Khi còn đang loay hoay với cách thức sản xuất, bảo quản đóng chai, anh Tiến được sự hỗ trợ vô điều kiện từ anh Đặng Đức Long – một chuyên gia Hóa sinh đến từ Viện Nghiên cứu Việt – UK về mặt kỹ thuật. Sản phẩm hoàn thiện, FUWA tiếp tục được chương trình Youth Co:Lab của UNDP nhằm hỗ trợ cung cấp các gói kiến thức về quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tập khách hàng,… Đồng thời, “Gói hỗ trợ truyền thông mà FUWA nhận tại Techfest 2020 của Bộ KH&CN đã giúp một doanh nghiệp ở Thanh Hóa được biết đến nhiều hơn. Sáng kiến thiết lập 10 địa điểm đổ đầy sản phẩm đã sử dụng hết giúp giảm thải ra môi trường khoảng từ 600 đến 1000 chai nhựa mỗi tháng”, anh Đỗ Xuân Tiến chia sẻ. Với anh, điều quan trọng hơn cả ở mô hình kinh doanh của anh nằm ở việc cộng đồng xung quanh anh được bảo vệ sức khoẻ nhờ sử dụng sản phẩm không hoá chất. Hơn thế nữa còn góp phần giúp hạn chế chất thải nhựa và sản phẩm khi phân huỷ không gây hại cho môi trường. Trong một câu chuyện khác về văn hóa với khát vọng “bình dân hóa lịch sử”, Việt Sử Giai Thoại – Startup phát triển dự án/lĩnh vực liên quan đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam thừa nhận rằng sự ủng hộ của cộng đồng yêu Sử giúp họ làm được những điều tưởng chừng không thể. Không phải đóng cửa như nhiều dự án đi trước vì khó khăn tài chính, Việt Sử Giai Thoại đã xây dựng được một hệ sinh thái xoay quanh lịch sử vừa tạo ra được lợi nhuận, vừa duy trì được khát vọng khơi dậy tình yêu lịch sử trong lòng mỗi người Việt. “Startup phải cân bằng được lợi nhuận và ý nghĩa cộng đồng. Chúng tôi may mắn được mọi người ủng hộ góp ý để hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày. Những lời chia sẻ như trước giờ không để ý lịch sử mà không ngờ hay thế là một minh chứng rõ nét cho điều này”, CEO Đoàn Xuân Quang chia sẻ. Địa phương dốc sức hỗ trợ
Chị Hà Phương Anh – CEO của OpenCommerce Group Trong những năm trở lại đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ sôi nổi ở các thành phố lớn mà làn sóng ấy cũng đã tràn về địa phương. Những người quan tâm tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hẳn đều biết Go Stream – một startup từ Nghệ An đi ra thế giới. Đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Không riêng gì Nghệ An, nhiều địa phương khác cũng đã tạo điều kiện về mọi mặt để làm bệ phóng cho startup. Đơn cử như chế phẩm sinh học của FUWA sau khi đạt 4 sao trong chương trình OCOPP Việt Nam đã được đặt tại tất cả các trạm dừng chân trên địa bàn Thanh Hóa. Tới đây, FUWA cũng được lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu được trưng bày tại những gian hàng OCOPP của quốc gia. Anh Đỗ Xuân Tiến, Nhà sáng lập FUWA khẳng định, nếu không có địa phương hỗ trợ, để đạt được hiệu quả như vậy, chúng tôi có lẽ đã phải mất kinh phí và thời gian hơn thế rất nhiều. Chứng kiến sự vươn mình năng động và nhiệt tình của các địa phương với startup, câu chuyện startup Quế Rừng Xanh tiếp tục mang tới thêm niềm tin rằng, những hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương, các vùng miền đã và đang mang tới nhiều giá trị. Đã qua rồi cái thời địa phương chậm chạp trước những thay đổi của xã hội. Giờ đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương được coi như một điểm kết nối trong mạng lưới khởi nghiệp. Bởi vậy, khi giới thiệu về sản phẩm trà quế Quảng Ngãi, bà Trần Thị Xuân Quỳnh, CEO Tân Hoa Thảo với thương hiệu Quế Rừng Xanh được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ nhiệt tình. Những cuộc điện thoại trao đổi của đại diện Sở KH&CN, những cuộc kết nối nhanh gọn giữa startup với các lãnh đạo huyện, xã, đại diện ban dân tộc tỉnh đã giúp Quế Rừng Xanh nhanh chóng tìm được nguyên liệu quế Trà Bồng có chất lượng tốt nhất đưa vào sản xuất. Không chỉ vậy, ý tưởng xây dựng vùng trồng hữu cơ của Quế Rừng Xanh cũng được lãnh đạo tỉnh ủng hộ nhiệt tình và hỗ trợ về nguồn gốc, vùng trồng để startup này nhanh chóng lấy được giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu sau chế biến. “Sau cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi, trà quế của Tân Hoa Thảo đã được hỗ trợ trưng bày sản phẩm ở các gian hàng của tỉnh hay tại các hoạt động du lịch. Nhờ vậy thương hiệu của chúng tôi đi xa hơn”, CEO Trần Thị Xuân Quỳnh hào hứng chia sẻ.
Nguyễn Nhật – CEO của Otrafy – 1 startup Việt có trụ sở ở Mỹ Những câu chuyện của startup và người đồng hành cho thấy, các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã và đang liên kết bền chặt để nuôi dưỡng, tạo bệ phóng cho startup thai nghén, phát triển để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Bài, ảnh: Đăng Minh |