|
|||
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Bùi Nhật Quang - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS Vũ Văn Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; đồng chí Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đề án; GS.TSKH Vũ Minh Giang – Ban Chủ nhiệm Đề án; GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Ban Chủ nhiệm Đề án; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, đại diện các nhóm nghiên cứu của Đề án.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Lễ tiếp nhận Về phía Bộ KH&CN, có đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, cơ quan điều hành Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia. Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã báo cáo về việc triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam (gọi tắt là Bộ Quốc sử). Theo đó, căn cứ Kết luận số 82-KL/TW ngày 15/01/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án Quốc sử. Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định về việc Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Đề án; Quyết định về việc thành lập Ban Chủ nhiệm do GS Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) là Chủ nhiệm, ba Phó Chủ nhiệm: GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Trần Đức Cường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội). Đề án đã huy động trên 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Phần lớn là các nhà nghiên cứu lịch sử thuộc tất cả các chuyên ngành của khoa học lịch sử, một số là các nhà nghiên cứu văn hoá và các lĩnh vực liên quan. Theo Thứ trưởng, trong thực tế quản lý hoạt động KH&CN, có thể nói đây là một Đề án hết sức đặc biệt, lớn về quy mô, phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm của giới học giả trong, ngoài nước và cả người dân. Đề án đã nhận được sự quan tâm của Ban Bí thư, Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhận được sự ủng hộ của các ban, bộ, ngành ở Trung ương. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù về tài chính riêng cho Đề án. Đây là một trong những nhiệm vụ KH&CN đầu tiên được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Bộ KH&CN đã ban hành những quyết định riêng về quy chế tổ chức quản lý hoạt động của Đề án và quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học của Đề án. Cùng với đó, trong các chương trình về khoa học xã hội và nhân văn, đây là Đề án đầu tiên thực hiện việc xây dựng Thể lệ biên soạn để bảo đảm sự thống nhất của công trình. Thể lệ xác định rõ yêu cầu chung của công trình, mối quan hệ giữa các tập và quy định cụ thể về bố cục nội dung và các quy định trong cách trình bày của mỗi tập, bảo đảm ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Ban Biên soạn của các đề tài cùng triển khai trên một quỹ đạo thống nhất.
GS. Nguyễn Văn Khánh (bên phải) bàn giao bản thảo với ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted Tại lễ tiếp nhận, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình thực hiện cũng như nội dung của từng nhiệm vụ trong Đề án. Theo đó, trong 25 tập thông sử của bộ Lịch sử Việt Nam, phần Cổ - Trung đại chiếm 13 tập, trình bày các thời kỳ từ thời nguyên thủy đến trước khi thực dân Pháp xâm lược (1958). Thời kỳ lịch sử Cận đại và Hiện đại chiếm 12 tập, trình bày về những chuyển biến quan trọng trên các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở Việt Nam cũng như sự chuyển biến về văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật mà nét nổi bật là mặc dù có nhiều khó khăn nhưng người Việt Nam đã tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm giàu thêm cho truyền thống văn hóa tốt đẹp, giữ gìn sức sống của dân tộc Việt Nam trong đó có giá trị cao nhất về tinh thần yêu nước và ý chí độc lập, tự lực, tự cường. 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử được tuyển lựa kỹ càng theo các tiêu chí cụ thể và trình bày theo đúng logic của diễn trình lịch sử đất nước. Cụ thể, Biên niên sự kiện lịch sử được xây dựng trên cơ sở nhận thức của các nhà sử học Việt Nam hiện nay về quá trình lịch sử Việt Nam thông qua các sự kiện lịch sử quan trọng. Sự kiện lịch sử được xây dựng dựa trên các nguồn tư liệu kết hợp với kết quả nghiên cứu hiện đại. Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học lịch sử, của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các tổ chức, cá nhân đặc biệt là của cố GS Phan Huy Lê; trân trọng cảm ơn hơn 300 nhà khoa học thực hiện Đề án và rất nhiều cán bộ, không chỉ cán bộ nghiên cứu mà còn cả những người làm các công việc từ thủ thư, lưu trữ, đã trực tiếp, gián tiếp tham gia để hỗ trợ cho các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước để có được kết quả này. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ nghiên cứu để xuất bản một Bộ Quốc sử, một Bộ Quốc chính, một Bộ Bách khoa thư và một Bộ Dịch thuật các tác phẩm phương Đông. Những nhiệm vụ này đặc biệt là nhiệm vụ của biên soạn Bộ Quốc sử nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Sự kiện này đánh dấu một bước vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới Bộ KH&CN khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, cẩn trọng trong các bước tiếp theo để chính thức nghiệm thu cấp Nhà nước Đề án. Phó Thủ tướng mong rằng đây không chỉ là đề án cấp quốc gia, là mấy chục cuốn sách, là nghiên cứu được biến thành những đoạn tri thức dễ tiếp cận hơn với từng đối tượng, mà đây thực sự là kết tinh của hồn thiêng sông núi, sẽ sống mãi với thời gian. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan hữu quan của nhà nước cùng nhau chuẩn bị các công việc cần thiết để có thể xuất bản được bộ Quốc sử. Đồng thời đề nghị các nhiệm vụ khác như xây dựng bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư, Dịch thuật các tác phẩm Đông phương học đẩy nhanh tiến độ để chúng ta đồng bộ, hình thành những công trình, cùng nhau hợp thành những bộ phận quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn. “Đây là trách nhiệm đối với quá khứ, với lịch sử, với tổ tiên, trách nhiệm với tương lai và hiện tại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Được biết, sau khi các cơ quan chủ trì hoàn thành việc nộp bản thảo và báo cáo kết quả thực hiện, Bộ KH&CN sẽ tổ chức thẩm định, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc Đề án. Trên cơ sở bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử, song song với việc đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên sự kiện lịch sử, các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học để hoàn thiện trước khi đưa vào biên tập xuất bản. Việc đánh giá nghiệm thu và xuất bản sẽ được tiến hành theo Luật KH&CN, Luật Xuất bản.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chụp ảnh cùng một số tác giả Bộ Lịch sử Việt Nam Bài, ảnh: Hạnh Nguyên - Hoàng Anh
|