|
|||
Công ty TNHH Sinh vật cảnh Hoàng Linh đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang” do kỹ sư Ong Khắc Nở làm Chủ nhiệm. Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất Hiện nay, sản xuất rau tại Bắc Giang nói chung và huyện Yên Dũng nói riêng còn mang tính tự phát, manh mún. Các công nghệ về giống mới cũng đã được ưu tiên sử dụng như các giống lai F1 có độ đồng đều, năng suất cao, tuy nhiên do sản xuất mang tính tự phát nên giống sử dụng còn trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quy trình kỹ thuật canh tác áp dụng chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm, tập quán, Một số tiến bộ kỹ thuật mới như trồng rau trong điều kiện che chắn, sản xuất rau trái vụ, sử dụng các chế phẩm phân bón sinh học…đã được áp dụng nhưng chưa nhiều, đặc biệt sản xuất rau an toàn theo VietGAP được quan tâm nhưng tỷ lệ đạt được còn thấp. Vấn đề sơ chế, bảo quản sau thu hoạch mới chỉ ở bước rất đơn giản do vậy chỉ có thể sử dụng mang bán tại các chợ và một số bếp ăn tập thể ngay sau khi thu hoạch, các loại rau đưa được lên kệ của các siêu thị lớn còn rất ít. Kỹ sự Ong Khắc Nở cho biết, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang” được thực hiện với mục tiêu nhằm ứng dụng thành công các tiến bộ KH&CN vào sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng theo chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; tạo lập thị trường rau an toàn nhằm phát triển ngành rau màu, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, dự án đã tập trung lựa chọn một số công nghệ có thể áp dụng để sản xuất rau quy mô tập trung có hiệu quả cao gồm các công nghệ tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, sơ chế bảo quản sau thu hoạch giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, công nghệ được áp dụng trong dự án gồm công nghệ sản xuất cây con trong nhà lưới, công nghệ sản xuất rau an toàn theo VietGAP, công nghệ sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, sử dụng công nghệ tưới phun tự động của Israel, công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Giống được tuyển chọn kỹ lưỡng, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, trên bao bì sản phẩm có dán tem nhãn, liên kết chặt chẽ khâu sản xuất, tiêu thụ… Đây là những giải pháp chính được Công ty triển khai. Ngoài nguồn giống có chất lượng, quy trình sản xuất rau ở đây phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP như: Sử dụng phân vi sinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép đối với rau quả. Nguồn nước tưới không bị ô nhiễm. Mỗi lần bón phân, phun thuốc phải ghi chép đầy đủ thời gian, có bảng, biểu cắm trên ruộng để nhận biết. Thời gian cách ly đủ 15 -20 ngày trước khi thu hoạch, tùy từng loại rau… Kỹ sư Ong Khắc Nở cho biết, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, Công ty đang xây dựng 5.000m2 nhà màng; lắp đặt thí điểm 1 ha hệ thống tưới văng; xây dựng khu sơ chế nông sản với các hạng mục kho lạnh, kho sơ chế, gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp... Bên cạnh đó, đơn vị thiết kế nhãn, mác in trên bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường. Hiện nay, việc tiêu thụ rau khá thuận lợi với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội… Sản phẩm rau của công ty được ký kết hợp đồng bao tiêu với các đơn vị như: Công ty CP Bagico, Công ty TNHH Hiền Lê tỉnh Hải Dương, Hệ thống cửa hàng rau sạch Hà Nội, Công ty Hưng Việt, siêu thị Vinmart, tiến tới các sản phẩm sẽ được đưa vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị trên cả nước. Hiệu quả từ cách làm mới Kỹ sư Ong Khắc Nở chia sẻ thêm, Dự án thực hiện thành công góp phần thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả cùa người dân, hình thành vùng sản xuất rau an toàn quy mô tập trung thuận lợi cho việc ứng dụng tiên tiến, sử dụng hệ thống máy móc, dần hình thành thói quen canh tác quy mô hàng hóa, tự động hoặc bán tự động giảm phần lớn chi phí công lao động, năng suất và hiệu quả nâng cao. Công nhân chăm sóc vườn dưa lê Hàn Quốc theo tiêu chuẩn VietGAP Dự án sẽ giúp người dân nắm bắt được các quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp làm tiền đề để tiếp tục tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ khác. Hình thành tập quán sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao theo quy trình VietGAP theo quy mô lớn, tập trung từ đó sẽ nhân rộng ra các vùng lân cận góp phần Tạo dựng mô hình liên kết 4 nhà. Với mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thu, dự án có khả năng mở rộng và phát triển. Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp cùng các cơ quan quản lý tại địa phương tiến hành hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo, tập huấn cho nông dân khi tiếp nhận và phát triển mô hình sản xuất rau an toàn. Bắc Giang là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đồng thời cũng là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp phát triển, với quỹ đất lớn, người nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất. Khi dự án được thực hiện thành công sẽ là động lực cho việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ nông dân có thể tự nguyện liên kết với nhau hình thành mô hình liên kết sản xuất. Khi dự án triển khai có hiệu quả, các doanh nghiệp cũng như người dân có đủ niềm tin đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất RAT sẽ được nhân rộng với quy mô gấp khoảng 3-5 lần sau 2 năm triển khai dự án giải quyết việc làm cho người dân địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững trật trự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Công ty đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên từ sản xuất lạc hậu đã dần quen với phương thức sản xuất mới, nắm vững khoa học kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao hơn. Với những kết quả đã đạt được, công ty đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, hướng tới những mục tiêu xa hơn, giúp thành viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Việc triển khai dự án thành công cho thấy chương trình nông thôn miền núi đã mang lại kết quả rất lớn. Những hiệu quả tích cực từ dự án, thể hiện được vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang. Bài: Đăng Minh Ảnh: Phương Hoàn
|