|
|||
Top 10 đơn vị có công bố quốc tế SCI và SCI-E cao nhất PGS.TS.Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Viện Hàn lâm) cho biết: Số bài báo có chỉ số IF>=3 là 210 bài (23,7%) và số lượng bài báo đăng trên tạp chí có chất lượng cao đạt chuẩn Q1 (theo phân loại của Scimago) là 359 bài (40,4%). Việc tăng đáng kế số lượng và chất lượng các bài báo thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ khoa học, đưa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thuộc top 10 đơn vị có công bố quốc tế SCI và SCI-E cao nhất. Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã phát hiện công bố được 133 loài sinh vật mới cho khoa học… Viện Hàn lâm đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức chuyến khảo sát hỗn hợp bằng tàu Viện sĩ M.A. Lavrentiev từ 8/11 đến 24/11/2019 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Về công tác phát triển và ứng dụng triển khai công nghệ, năm 2019 toàn Viện Hàn lâm có 52 bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 6 công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất. Các kết quả đề tài, dự án có tính ứng dụng thiết thực được chuyển giao cho địa phương, cơ sở sản xuất, thu hút được sự đầu tư kinh phí đáng kể, như: Công trình chế tạo và thương mại hóa sản phẩm phụ gia hoạt tính ứng dụng sản xuất sơn chống cháy; hệ thống thông tin, định vị và giám sát tàu cá; quy trình chế tạo vật liệu cao su nanocompozit; phương pháp kết nối thiết bị đo và điều khiển với máy chủ điện toán đám mây qua mạng internet và qui trình công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N1 từ cây thuốc lá,... Các công nghệ, thiết bị quan trọng hiện đại được đưa vào ứng dụng gồm: Vệ tinh Micro dragon được phóng vào quỹ đạo; Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ đưa vào hoạt động; Trung tâm cảnh báo động đất, sóng thần làm tốt công tác dự báo, thông báo tới toàn dân và xã hội các trận động đất trên lãnh thổ nước ta và có ảnh hưởng đến lãnh thổ nước ta…
TS. Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 2020 sẽ tập trung tăng số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế Về công tác đào tạo, Viện Hàn lâm hiện có 3 đơn vị đào tạo gồm: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Học viện Khoa học và Công nghệ; Viện Toán học tiếp tục công tác đào tạo, tuyển sinh; xét công nhận chức danh Giáo sư; Phó Giáo sư. Năm 2019, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam bổ nhiệm 37 nhà giáo đạt chuẩn GS, PGS, chiếm 8,45% số GS, PGS của cả nước được công nhận. Trong đó, số nhà giáo được bổ nhiệm tại Học Viện KH&CN là 33, tại Trường Đại học KH&CN Hà Nội là một và tại Viện Toán học là ba. GS trẻ nhất là GS.TS Trần Thế Bách 43 tuổi, ngành sinh học; PGS trẻ nhất là PGS.TS. Nguyễn Đại Hải, 35 tuổi. Năm 2019, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có bốn nhà khoa học được nhận các giải thưởng KH&CN lớn của thế giới và Việt Nam: GS. Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học nhận giải thưởng Ramanujan 2019; TS Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hoá sinh biển nhận giải thưởng Loréal UNESCO năm 2019 ; PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Hai Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO mới đi vào hoạt động từ năm 2018, nhưng đã phát huy được những thế mạnh về nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Toán học, Vật lý. Năm 2019, hai viện công bố được 13 bài báo SCI/SCI-E. Những kết quả đạt được cho thấy, nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung đã được quốc tế đánh giá cao và khẳng định được vị trí cao trong khu vực. Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh cho biết, năm 2020, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch giai đoạn 2016-2020, đáp ứng đòi hỏi của đất nước cho giai đoạn phát triển, giao lưu và hội nhập sâu rộng trong mọi lĩnh vực của xã hội; thúc đẩy tăng số lượng bài báo, chú trọng tăng cường chất lượng các công bố đạt chuẩn quốc tế SCI/SCI-E. Tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, sở hữu trí tuệ. Xây dựng một số dự án lớn trình Chính phủ, như: Dự án Trung tâm tiên tiến Việt Nam -Nhật Bản tại Hoà Lạc; Dự án xây dựng tàu nghiên cứu biển; các dự án thuộc Quy hoạch phát triển công nghệ sinh học đến năm 2020; Đề án ứng dụng KH và CN phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các dự án nghiên cứu về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Bài, ảnh: Minh Châu
|