Bản in
Để SHTP thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo
Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang bước qua giai đoạn phát triển mới, đặc biệt từ 2021 đến 2025 với định hướng trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần nhiều đổi mới, nhất chính sách, cơ chế cho SHTP.

 Xuất khẩu cao và gia tăng R&D

Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, SHTP có 157 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn gần 44.100 tỷ đồng/108 dự án trong nước và gần 57 tỷ USD/49 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có 79 dự án đi vào hoạt động, với giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2019 đạt trên 17 tỷ USD, tăng 19,28% so với cùng kỳ và đạt 100% so với kế hoạch đề ra. SHTP còn đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng xuất khẩu chung của toàn thành phố (chiếm 37,05% năm 2019). 

Ban quản lý SHTP đã tích cực đẩy mạnh chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao tại SHTP, và giá trị gia tăng nội địa đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, giá trị gia tăng nội địa dao động trong khoảng 8%-10% ở giai đoạn 2011-2016, bắt đầu đi vào ổn định theo hướng tăng dần từ năm 2016 (năm bắt đầu thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TPHCM) đến nay, với  mức tăng từ 14% lên 23%, 27% và 33%. 

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý SHTP, trong những năm qua, DN tại SHTP đã tăng dần các hoạt động R&D và tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Các DN đều có hoạt động nâng cấp sản phẩm, sử dụng ngày càng nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên người Việt để cho ra các sản phẩm mới. Đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt; một số DN có hoạt động R&D đứng đầu tập đoàn, hay khu vực, như các công ty Datalogic, Samsung, Nidec... Một số tập đoàn lớn như Nidec, Samsung… đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một số DN chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này do mới đi vào hoạt động, hoặc có những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên cần thời gian để ổn định trước khi đầu tư vào R&D. Do đó, trong những năm qua, SHTP đã giới thiệu đến các DN những chính sách hỗ trợ, cơ chế vay vốn ưu đãi để DN triển khai hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm tự nghiên cứu và phát triển, hoặc tiếp nhận từ chuyển giao công nghệ. 

Tính đến nay, các dự án nghiên cứu - sản xuất tiếp nhận nguồn vốn tài trợ từ Nhà nước đã vượt hơn 500 tỷ đồng. Các dự án này thuộc nhóm sản xuất sản phẩm công nghệ cao phục vụ thị trường trong và ngoài nước, có hàm lượng khoa học - công nghệ, R&D cao, đã được SHTP giới thiệu để tham gia Chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia và quỹ kích cầu của TPHCM, tiêu biểu như Công ty Nanogen, United Healthcare VN, Bảo Sơn, UVP, VN Robotics, DGS…

Tìm cơ chế cho mục tiêu mới 

Theo ông Nguyễn Anh Thi, để SHTP trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, SHTP đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung thực hiện. Đầu tiên, xây dựng Quy chế Khu Công nghệ cao nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho các DN nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và các DN ươm tạo công nghệ cao. Đề xuất tiêu chí lựa chọn các dự án đầu tư vào SHTP phù hợp với định hướng xây dựng Thành phố thông minh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0. 

“Tiếp theo là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI trong quản lý hành chính, hướng đến mô hình quản trị hiện đại; nâng cấp Trung tâm R&D thành Viện Nghiên cứu triển khai, Vườn ươm thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trung tâm Đào tạo thành Viện Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Song song đó là tăng cường hợp tác, liên kết trong và ngoài nước, như tăng cường kết nối DN FDI với DN Việt Nam; tăng cường kết nối Đại học Quốc gia TPHCM với các DN; tăng cường kết nối, hợp tác song phương và đa phương giữa các chuyên gia khoa học - công nghệ, giữa chuyên gia với DN… hướng tới tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao, cũng như phát triển chuỗi cung ứng nội địa giữa các đối tác trong và ngoài nước… Thành lập Trung tâm Kết nối đổi mới sáng tạo Saigon Innovation Network Hub tại Sillicon Valley (Hoa Kỳ) nhằm giới thiệu sản phẩm công nghệ cao của DN trong SHTP tiếp cận và mở rộng thị trường...”, ông Thi thông tin và cho biết thêm một nhiệm vụ quan trọng là khởi công xây dựng, đưa vào hoạt động Công viên Khoa học và công nghệ - hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Đó chính là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung thực hiện trong định hướng kế hoạch 5 năm 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, để SHTP trong giai đoạn tới trở thành Khu Công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, theo như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong buổi làm việc mới đây tại SHTP.

Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao là một vấn đề đặt ra với SHTP. Qua thống kê cho thấy, số lao động phổ thông hiện nay chiếm gần 55% trên tổng lao động, tập trung ở các nhà máy sản xuất có đông lao động (Nidec, Samsung, Sonion, Jabil…). Đây là các dự án có quy mô sản xuất lớn trong lĩnh vực cơ khí chính xác, điện tử và điện gia dụng nên mức độ thâm dụng lao động khá cao. 

Nguyên nhân thâm dụng lao động là do hoạt động sản xuất hiện nay vẫn có những công đoạn lắp ráp linh kiện điện tử, hoặc gia công cơ khí chính xác và các sản phẩm phụ trợ khác; các sản phẩm phần lớn là ở công đoạn cuối của quy trình sản xuất nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề thấp làm lợi thế cạnh tranh của các DN nước ngoài.