|
|||
Cơ hội cho Việt Nam bứt phá CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo, đã và đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. CMCN 4.0 có thể tạo ra lợi thế của những nước đi sau như Việt Nam so các nước phát triển do không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn; tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, vượt qua các quốc gia khác cho dù xuất phát sau. Theo đó, CMCN 4.0 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như: nâng cao trình độ công nghệ, khả năng chuyển đổi các hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị và sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc ứng dụng những công nghệ mới; tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới Việt Nam tiếp tục ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu... Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ; kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tập trung vào đào tạo và giáo dục chuyển đổi nghề nghiệp với các kỹ năng phù hợp… Các báo cáo đánh giá đều cho thấy, về cơ bản, cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề. Đối với các ngành/lĩnh vực khác nhau, chỉ khác nhau ở mức độ tác động ít hay nhiều. Các thông tin đánh giá mức độ tác động thì rất nhiều và đa chiều. Về lý thuyết, các ngành nghề thâm dụng lao động phổ thông được dự báo sẽ bị tác động nhiều nhất. Theo dự báo của ILO, 86% lao động dệt may có nguy cơ mất việc. Tuy nhiên, thực tế kết quả nghiên cứu sơ bộ của Vinatex cho thấy con số không lớn như vậy. Đồng thời, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa cũng nhận định rằng ngành dệt may rất khó thay thế lao động bằng robot trong nhiều công đoạn. Sự khác biệt lớn giữa các số liệu dự báo cho thấy nguy cơ lao động có trình độ thấp bị thay thế bởi tự động hóa là hiện hữu, tuy nhiên các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam cần thêm các nghiên cứu đánh giá một cách khoa học để có thể xác định đúng mức độ tác động, bình tĩnh, chủ động từng bước đối phó vì các dự báo đều mang tính chất dài hạn. Ở chiều hướng tích cực, tất cả các báo cáo đều thống nhất bên cạnh các việc làm mất đi (bị thay thế do tự động hóa) sẽ xuất hiện nhiều việc làm và ngành nghề mới. Một điều chắc chắn là ngành nghề nào có sự chuẩn bị sẵn sàng, bài bản thì sẽ tận dụng được nhiều cơ hội và giảm thiểu các rủi ro từ CMCN 4.0. Do vậy, điều quan trọng là cần tập trung vào đào tạo và giáo dục chuyển đổi nghề nghiệp với các kỹ năng phù hợp. Giải pháp, chính sách để triển khai cuộc CMCN 4.0 Với vai trò được Chính phủ giao là đầu mối về CMCN 4.0, Bộ tiếp tục đôn đốc các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu ĐMST từ khu vực doanh nghiệp. Bộ sẽ tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo; phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài thông qua phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.
PV |