|
|||
Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ thông minh. Theo thống kê ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển, có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chỉ chiếm một phần nhỏ, chưa đến 10% diện tích đất nông nghiệp. Riêng tại Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy diện tích đất có điều kiện canh tác nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng diện tích đất nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp vẫn đóng vai trò là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp phần lớn vào GDP của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lại đang phải đối mặt với nguy cơ lớn bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên đất và tài nguyên nước đang ngày càng bị thu hẹp. Để giải quyết các vấn đề đó, đòi hỏi các quốc gia phải chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình nông nghiệp thông minh với việc ứng dụng KH&CN, thông tin vào quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ông Mai Thanh Thảo - thành viên Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, có thể tạo ra nguồn sinh khối, nguyên liệu phong phú phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo phương pháp hữu cơ. Theo ông Mai Thanh Thảo, quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao trong khi năng suất lại thấp hơn sản xuất thông thường. Mặc dù nhu cầu nông sản hữu cơ tăng nhưng chưa ổn định, lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ chưa cao nên phần lớn nông dân chưa thật sự có nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Đó cũng là nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể và quan trọng là chưa theo một tiêu chuẩn chung nào. Thông qua việc đánh giá các xu hướng chính về KHCN và đổi mới trong nông nghiệp hữu cơ, xác định các thách thức và xu hướng toàn cầu trong ngành nông nghiệp hữu cơ và đề xuất các giải pháp tương ứng, chia sẻ các mô hình nông nghiệp hữu cơ thông minh và hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn và tin cậy, xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy việc áp dụng các mô hình nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ thông minh, đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các nền kinh tế thành viên. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi hàng hóa thế giới vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng. Giải pháp là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ.
Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thời gian qua đã tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP,… nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thuế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Theo Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hiện Bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041 đã được Việt Nam ban hành năm 2017, đưa ra tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, trồng trọt chăn nuôi và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, Đề án 100 của Chính phủ ban hành, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang chủ trì việc xây dựng Cổng dữ liệu truy xuất nguồn gốc quốc gia. Mục tiêu chung của cổng thông tin nhằm đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp kiến thức về truy xuất nguồn gốc,… Ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ tiêu chuẩn, Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, cho rằng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và nông sản trở thành một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, việc tiêu chuẩn hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng là việc làm cấp thiết. Theo ông Nguyễn Văn Khôi, việc xây dựng được tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nông dân nắm vững quy trình sản xuất mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm với đối tác. Quan trọng hơn, Việt Nam phải xây dựng được tiêu chuẩn có thể đáp ứng các yêu cầu thỏa thuận, công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của nhiều thị trường, có như vậy mới giải quyết được vấn đề sản xuất theo tiêu chuẩn nào, tiêu thụ ở đâu cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|