Bản in
Nghiên cứu, sản xuất thành công chế phẩm vi sinh có thể thay thế thuốc trừ bệnh hóa học
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Dự án FIRST – Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia giỏi nước ngoài và trong nước, các đơn vị, địa phương liên quan, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã nghiên cứu, phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh trừ tuyến trùng gây bệnh hại rễ cây chè và cây cà phê chè, có thể thay thế thuốc trừ bệnh hóa học, an toàn cho con người và môi trường sinh thái.

Thông tin được đưa ra tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu tiểu dự án “Nghiên cứu và phát triển chế phẩm vi sinh làm phân bón và chế phẩm vi sinh trừ tuyến trùng gây bệnh hại rễ cây chè và cây cà phê chè nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nôi tiêu và xuất khẩu” do Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ - FIRST” tổ chức mới đây tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Tiểu dự án do Viện NOMAFSI thực hiện từ tháng 3/2018 đến tháng 6/2019, thuộc Hợp phần 1.a – “Khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” của Dự án FIRST.

TS. Nguyễn Hữu La – Phó Viện trưởng Viện NOMAFSI cho biết, triển khai tiểu dự án nói trên, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với chuyên gia Thái Lan và các chuyên gia trong nước tiến hành thu thập mẫu, xác định loài vi sinh vật; đánh giá hoạt tính vi sinh vật, nghiên cứu nhân nuôi sinh khối, nghiên cứu sản xuất chế phẩm và đánh giá chế phẩm mới. Kết quả, NOMAFSI đã nghiên cứu và làm chủ 02 quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh. Chế phẩm áp dụng tăng hiệu quả kinh tế sản xuất chè và cà phê ≥ 20%. Quy trình công nghệ tạo ra chế phẩm vi sinh mới sử dụng trong nông nghiệp an toàn là xu hướng tất yếu của sản xuất bền vững có tiềm năng phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, NOMAFSI đã công bố 2 bài báo trên tạp chí nước ngoài; 3 báo cáo hội thảo khoa học; tập huấn được cho 90 người dân nắm vững kỹ thuật sử dụng chế phẩm mới cho cây chè và cây cà phê trên đồng ruộng.

Tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu, các chuyên gia đều đánh giá cao những kết quả nhóm nghiên cứu đạt được. Đồng thời cho rằng, tiểu dự án đem lại nhiều lợi ích cho cán bộ tham gia nghiên cứu cũng như cho người dân trong sản xuất chè và cà phê chè ở vùng miền núi miền núi phía Bắc. Trước tiên, dự án đã nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ tham gia trong nhóm nghiên cứu và các nghiên cứu viên Viện thông qua các hoạt động và kết quả của tiểu dự án. Việc tập huấn cho 90 người dân giúp người dân hiểu rõ về sự cần thiết phải phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với sự phát triển bền vững bằng cách tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón sinh học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Toàn cảnh buổi họp hội đồng đánh giá nghiệm thu tiểu dự án

Tiểu dự án đã tạo ra chế phẩm vi sinh dùng để bón và trừ bệnh cho cây trồng, có thể thay thế thuốc trừ bệnh hóa học, an toàn cho con người và môi trường sinh thái. Đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia giỏi nước ngoài, tiểu dự án đã thu thập được 2 chủng nấm đối kháng với tuyến trùng bản địa. Đây là những chủng khó tìm kiếm, mở ra hướng áp dụng lâu dài sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp nước nhà. Chế phẩm mới của dự án có hiệu lực trừ bệnh tuyến trùng hại cây chè và cà phê cao, chế phẩm phân bón dễ dàng sử dụng trực tiếp trên đồng ruộng với một lượng ít, thuận tiện cho việc vận chuyển khi sử dụng sẽ góp phần làm giảm chi phí phân bón hóa học từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin, ảnh: Hạnh Nguyên