|
|||
Đây là kết quả của tiểu Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ genom học và công nghệ chọn giống ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo các giống lúa kháng đa yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu” do Viện Di truyền Nông nghiệp triển khai dưới sự hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ (thông qua Dự án FIRST) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ. Triển khai thực hiện từ tháng 6/2017 đến nay nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ genom học, nghiên cứu toàn hệ gen (GWAS); xác định các gen và phát triển các chỉ thị phân tử liên kết với các gen đích (các gen liên quan đến chất lượng, khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học), ứng dụng trong chọn giống lúa; làm chủ công nghệ chọn tạo giống lúa kháng đa yếu tố bằng phương pháp MABC, tích hợp các gen chống chịu (chịu mặn, ngập, hạn, kháng bạc lá, đạo ôn, rầy nâu,…) vào các giống lúa đang trồng đại trà, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đã tạo ra 3 giống lúa Quốc gia (giống lúa chịu mặn DT80, giống lúa chịu ngập SHPT3 (đã được sản xuất thử tại 7 tỉnh), giống lúa chất lượng), 4 giống lúa sản xuất thử (DT82, KX2, giống lúa chịu ngập SHPT6 và HL5) và 14 – 15 dòng triển vọng có năng suất cao, chất lượng tốt, được tích hợp các gen kháng với đa yếu tố. Theo ông Phạm Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, các giống có ưu điểm là mang các gen chịu mặn, hoặc gen kháng bạc lá, chống chịu sâu bệnh và bất lợi của ngoại cảnh, có năng suất và chất lượng cao. “Thông qua việc triển khai tiểu Dự án do Dự án FIRST đầu tư, Viện đã có cơ hội nâng cao tiềm lực (cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực). Trên cơ sở một số kết quả giai đoạn trước và qua việc triển khai tiểu dự án, Viện đã chọn ra một số kết quả điển hình để phát triển và thương mại hóa, một phần phục vụ chủ trương tự chủ của Nhà nước và với các đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Hội cho biết.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Đánh giá cao các kết quả của Viện, ông Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Giám sát và đánh giá của Dự án FIRST cho rằng, đây là thành công bước đầu trong việc thực hiện Dự án FIRST nói riêng và tham gia vào chiến lược phát triển giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung của Viện. Thành công của Viện đã khẳng định sự lựa chọn, đầu tư đúng đối tượng của Dự án, đồng thời khẳng định quyết tâm rất lớn của lãnh đạo Viện và các tác giả giống lúa cũng như năng lực nghiên cứu của Viện. “Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và chọn tạo được các giống phù hợp, Viện cần có các giải pháp để quảng bá nhằm lan tỏa các giống lúa của Viện, đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất”, ông Trần Quốc Thắng chia sẻ. Tin, ảnh: Hạnh Nguyên
|