Bản in
KHCN tuần qua: Việt Nam lần thứ 5 vô địch châu Á về xe tiết kiệm nhiên liệu
Sự kiện KHCN trong tuần qua còn gây chú ý với tin tức Học sinh Việt giành hai huy chương vàng quốc tế về sáng chế và Hầm xe cao tốc cao nhất thế giới đi vào hoạt động tại Trung Quốc.

 1. Việt Nam lần thứ 5 vô địch châu Á về xe tiết kiệm nhiên liệu


Tại cuộc thi Sáng tạo xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á - Shell Eco Marthon Asia 2019 diễn ra tại Malaysia, tham gia vào hình thức đường mô hình đô thị chạy bằng nhiên liệu pin điện, các thành viên đội Đại học Lạc Hồng đã về nhất khi đạt được 170 km với 1 kWh điện. Cuộc thi quy tụ 100 đội thi từ 18 quốc gia.


Đội tuyển Việt Nam tham dự Sepang International Circuit năm nay. Ảnh: VC.

2. Học sinh Việt giành hai huy chương vàng quốc tế về sáng chế

Trong số 20 quốc gia trên thế giới với hơn 1.000 gian hàng tham gia "Triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế" (ITEX), đoàn Việt Nam giành hai huy chương vàng ở lĩnh vực giải pháp môi trường và chăm sóc sức khỏe.

Ở lĩnh vực môi trường, sáng chế Trạm thông minh của 3 học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên) có khả năng hạn chế ô nhiễm bụi trong công viên và nâng cao ý thức, kết nối con người với không gian xanh trong thành phố.

Học sinh Việt Nam đạt 2 Huy chương Vàng về sáng tạo trẻ thế giới (WYIE). Ảnh: Dân Trí.

Ở lĩnh vực chăm sóc cá nhân, hộ gia đình, văn phòng, sáng chế của em Tống Duy Hải (lớp 11 Trường THPT Yên Hòa) với Robot trợ lý y tế cũng giành huy chương vàng.

Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ thế giới (WYIE) nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế (ITEX), được Malaysia đăng cai tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/5.

3. Hầm xe cao tốc cao nhất thế giới đi vào hoạt động

Tọa lạc lại Tây Tạng (Trung Quốc), hầm cao tốc núi Mễ Lạp đã được thông xe vào cuối tháng 4 vừa qua. Nằm ở độ cao hơn 4.750 m so với mực nước biển, hầm cao tốc núi Mễ Lạp khởi xây từ 2015 và cần 2.000 công nhân tham gia dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trung Quốc thông xe hầm cao tốc cao nhất thế giới. Ảnh: Xinhua.

Đường hầm rút ngắn quãng đường qua núi từ 10 km xuống còn 5,7 km và chỉ mất 4 phút để đi qua. Hơn 10 đột phá công nghệ được ứng dụng để đường hầm được hoàn thành, thúc đẩy kinh tế phía đông Tây Tạng phát triển.

4. Buổi hòa nhạc đầu tiên trình bày bởi robot

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vừa diễn ra một buổi hòa tấu đặc biệt bởi các nghệ sĩ robot. Các nhạc công chơi sáo trúc, đàn hạc và trống theo phong cách đặc trưng của quốc gia này. Các nhà sáng chế cho biết họ muốn hướng đến việc tạo ra thêm nhiều nhạc công tương tự có thể truyền tải âm nhạc có cảm xúc như con người.

Ảnh: CCTV.

5. Sóng wifi khiến đàn ông giảm khả năng có con

Theo công trình mới của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Sinh sản Bệnh viện Yamashita Shonan Yume cùng khoa Khoa học Đời sống và Môi trường Đại học Yamanashi (Nhật Bản) tiến hành vào năm ngoái, nam giới tiếp xúc lâu với sóng wifi bị giảm khả năng sinh sản. Mẫu tinh trùng của 51 người này được chia làm ba nhóm: nhóm đầu không tiếp xúc với sóng wifi, nhóm thứ hai tiếp xúc với sóng wifi nhưng có một lớp bảo vệ; nhóm thứ ba tiếp xúc hoàn toàn với sóng wifi.


Ảnh: Medium.

Kết quả cho thấy sau thời gian tiếp xúc càng dài, tinh trùng càng ít di chuyển và chết nhiều hơn. Sau 24 giờ, tỷ lệ tinh trùng chết ở nhóm không tiếp xúc với wifi là 8,4%; nhóm tiếp xúc với wifi có bảo vệ 18,2% và nhóm tiếp xúc hoàn toàn với wifi là 23,3%.

6. Công nghệ Plasma giúp diệt khuẩn không khí

Các nhà nghiên cứu đã khám phá khả năng độc đáo của loại khí đặc biệt gọi là plasma không nhiệt, hay NTP. Chúng gồm các hạt tích điện, trong đó các hạt đã được cung cấp năng lượng nhưng bản thân khí vẫn mát.

Công nghệ mới giúp diệt đến 99% vi khuẩn trong không khí. Ảnh: BGR.

Các khí này cung cấp năng lượng cực kỳ hiệu quả trong việc khử trùng, và các nhà các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các khí như vậy có thể loại bỏ hiệu quả khoảng 99,9% virus trong không khí khi hai người tiếp xúc.

Hiện, một lò phản ứng plasma không nhiệt đã được xây dựng để kiểm tra tính khả thi của nó trong việc khử trùng một lượng lớn không khí, sử dụng nó trên hệ thống thông gió của một trang trại để xác định mức độ có thể loại bỏ mầm bệnh của không khí.

7. Thiết bị phát hiện bệnh sởi, rubella trong vòng nửa tiếng

MR Box có kích thước tương đương lòng bàn tay và tích hợp công nghệ phòng thí nghiệm trên một con chip (lab-on-a-chip) có khả năng xét nghiệm tại chỗ. MR Box đã được nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học quốc tế chuyển tới trại tị nạn Kakuma ở miền tây bắc Kenya và thử nghiệm trên 144 trẻ nhỏ cùng các nhân viên chăm sóc.

Ảnh: Wheeler Lab.

Đồng chủ nhiệm công trình, nhà nghiên cứu Darius Rackus tại Đại học Toronto của Canada, cho biết 86% mẫu xét nghiệm sởi bằng MR Box và 92% mẫu xét nghiệm rubella có kết quả trùng khớp với kết quả thu được tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế của Viện nghiên cứu Y học Kenya. Thiết bị này tốn 35 phút để phát hiện kháng thể bệnh, thậm chí trước cả khi người bệnh mắc sởi/rubella hoặc trước khi tiêm phòng vaccine.

8. Công nghệ biến tín hiệu não thành lời nói

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một cỗ máy mang trí tuệ nhân tạo có thể nói hộ con người ở tốc độ tự nhiên, khoảng 150 từ/phút. Nghiên cứu đã nhắm vào các vùng não bộ gửi đi các chỉ thị cần thiết cho viêc xác định vị trí của một chuỗi các chuyển động nối tiếp của lưỡi, môi, quai hàm và cổ họng trong quá trình nói.


Ảnh: Wall Street Journal.

Cỗ máy hoạt động trên thuật toán này đã có thể thu thập tín hiệu não để tạo ra tiếng nói nhân tạo. Các nhà khoa học tuyển chọn 17.000 tình nguyện viên khác để nghe 101 câu nói nhân tạo này, và họ đã hiểu được 70% trong số chúng. Đây là kết quả đáng khích lệ để giúp các bệnh nhân có thể giao tiếp.

9. Ra mắt loại thuốc ức chế lây nhiễm HIV qua đường tình dục

Thuốc kháng virus ART được nghiên cứu trong 8 năm và thử nghiệm với 1.000 cặp đôi đồng tính nam ở châu Âu đều có một bạn tình dương tính với HIV. Kết quả cho thấy không có trường hợp nào bị lây truyền HIV từ các cặp đôi trong thời gian sử dụng thuốc, kể cả khi họ quan hệ tình dục không an toàn.

Ảnh: CNN.

Nghiên cứu cũng cho thấy ART đã ngăn chặn khoảng 470 trường hợp nguy cơ lây truyền HIV trong các cặp đôi đồng tính. Như vậy, virus HIV bị ức chế hoàn toàn bởi ART, một tín hiệu đáng mừng để ngăn chặn lây truyền HIV.

10. Phát hiện lượng hạt nhân khổng lồ tại dòng sông băng trên Trái Đất

Các nhà nghiên cứu quốc tế vừa lần đầu tiên tiến hành phân tích hàm lượng hạt nhân của các dòng sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực; đồng thời tại dãy núi Alps, dãy núi Kavkaz, British Columbia và Iceland. Mức độ chất phóng xạ nhân tạo được khảo sát ở 17 địa điểm.

Ảnh minh họa: Phys.org.

Kết quả là nồng độ chất phóng xạ ở băng hà trung bình cao gấp 10 lần (hoặc hơn) so với các vị trí không phải băng hà. Quá trình phân tích thành phần hạt nhân ở sông băng còn cho thấy không chỉ bụi hạt nhân từ thảm họa gần đây như Chernobyl và Fukushima mà còn lưu giữ từ các vật liệu của cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ nhiều thập kỷ trước. Vấn đề này cùng thực trạng băng tan ảnh hưởng đến đời sống khu vực dân cư lân cận.