|
|||
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tại Diễn đàn đại học Việt Nam - Phần Lan với chủ đề “Vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” tổ chức ngày 21/9/2018. Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện tại Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” do Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II (IPP2) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức từ ngày 20 - 22/9/2018 tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan. Tham dự Diễn đàn sáng 21/9 có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto. Đặc biệt, Diễn đàn có sự góp mặt của các diễn giả quốc tế đến từ hai trường đại học hàng đầu của Phần Lan, TS. Olli Vuola, Giám đốc Chương trình đầu tư mạo hiểm của Đại học Aalto và ông Harri Lansipuro, Giám đốc phụ trách các dịch vụ đổi mới sáng tạo của Đại học công nghệ Tampere. Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có bài phát biểu quan trọng. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết: “Tôi rất vui mừng tham dự Diễn đàn đại học Việt Nam - Phần Lan với chủ đề “Vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” do IPP2 tổ chức. Đối với Bộ KH&CN Việt Nam, trong những năm qua, chúng tôi luôn trân trọng vun đắp và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trên lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các trường đại học Phần Lan và Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học là một sự kiện rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trong năm nay”. Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Kari Kahiluoto trong bài phát biểu cũng nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực quan trọng trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan. IPP đang kết thúc quá trình hoạt động trong giai đoạn 2 và đóng góp vai trò quan trọng trong sự hợp tác của hai nước. IPP đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Việt Nam. “Chúng ta nhìn thấy tương lai tươi sáng trong sự hợp tác của Việt Nam và Phần Lan, đặc biệt là mối quan hện giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo”- Đại sứ Kari Kahiluoto lạc quan cho biết. KH&CN và ĐMST - đầu vào quan trọng giúp các quốc gia bứt phá Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Trong xu thế hội nhập toàn cầu và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nguồn vốn con người, vốn trí tuệ cùng với công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất để giúp các quốc gia phát triển bứt phá. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cùng với KH&CN và đổi mới sáng tạo được coi là một trong ba đột phá chiến lược. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả KH&CN. Trường đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các trường đại học mạnh phải là các chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto đánh giá cao hoạt động của IPP và nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là lĩnh vực quan trọng trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan Điểm lại hệ thống cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thời gian qua, có thể thấy, trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quan trọng về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ”, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Quyết định 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Các văn bản này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề đào tạo về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học và cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam. “Trong bối cảnh đó, Bộ KH&CN đánh giá cao các nỗ lực của Chương trình IPP2 thời gian qua, đã khởi động chương trình hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thí điểm đưa nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học, đưa lãnh đạo các trường đại học Việt Nam sang học hỏi mô hình thành công của các trường đại học Phần Lan, hỗ trợ các dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học Việt Nam”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết. Với nguồn lực có hạn của một nước đang phát triển, nhưng trong những năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ rất đáng khích lệ so với các quốc gia cùng mức thu nhập trung bình thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp: năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45 trên 126 quốc gia. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý của Việt Nam vẫn đang nỗ lực vươn lên hàng đầu ASEAN. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước phát triển như Phần Lan, chúng ta còn một khoảng cách rất lớn và cần rất nhiều nỗ lực cũng như quyết tâm để thu hẹp cách biệt. Phần Lan là quốc gia luôn ở tốp 10 quốc gia hàng đầu thế giới về các chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và cạnh tranh toàn cầu (GCI). Xếp hạng của nước bạn về hệ thống đại học và giáo dục; hạ tầng KH&CN; nhân lực trình độ cao, sáng chế, công bố và trích dẫn quốc tế, hợp tác công - tư đều đứng ở tốp đầu thế giới. “Trong nhiều diễn đàn hợp tác song phương với Phần Lan trước đây, tôi đã từng nhấn mạnh, bài học thành công của Phần Lan trong tăng trưởng dựa trên nhân tố đổi mới sáng tạo rất đáng để các quốc gia đi sau như Việt Nam tham khảo, học hỏi. Quan trọng hơn, dù ở vị trí nào trong bảng xếp hạng toàn cầu, chúng ta luôn cần liên tục đổi mới sáng tạo để không ngừng tiến lên phía trước và cải thiện tốt hơn nữa kết quả đạt được”. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại trường đại học là xu thế tất yếu Tại Hội thảo chiều qua, cũng tại Hội trường này, nhiều đại biểu nhận định các trường đại học của Việt Nam nhìn chung mới chỉ chú trọng vào hoạt động đào tạo mà chưa hoặc chưa có điều kiện tập trung cho chức năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp. “Để khắc phục điểm yếu này, Bộ KH&CN cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường vai trò chủ thể của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, có giải pháp khuyến khích kèm theo bắt buộc các trường đại học, đặc biệt là đại học công nghệ triển khai mạnh hơn chức năng nghiên cứu và kết nối với khu vực công nghiệp, doanh nghiệp”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Diễn đàn đại học Việt Nam - Phần Lan với chủ đề “Vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” tổ chức ngày 21/9/2018 Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần khuyến khích các trường đại học, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên thông qua các không gian sáng tạo chung hoặc các chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi trong khuôn viên các đại học là xu thế tất yếu mà các trường đại học Việt Nam nên đưa vào một trong các ưu tiên chiến lược của mình, bên cạnh sứ mệnh truyền thống về đào tạo. Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn, đặc biệt là các trường đại học trong nước, tham gia tích cực vào các phần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từng bước một, với các nỗ lực chung tay từ nhiều phía, chúng ta có thể dần thúc đẩy các trường đại học Việt Nam tiến tới mục tiêu không chỉ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội mà còn trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nơi đi đầu trong các hướng nghiên cứu mới tiên phong, nơi cung cấp các giải pháp công nghệ, kỹ thuật và quản lý có chất lượng cho khu vực doanh nghiệp; nơi ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo của thế hệ trẻ, các doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan, thay mặt Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi lời cảm ơn chân thành sự ủng hộ và hỗ trợ quý báu của Chính phủ Phần Lan, Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trong đó Chương trình IPP và hoạt động thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học Việt Nam. ”Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Bộ Ngoại giao Phần Lan trong giai đoạn tới, đặc biệt trong việc thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác song phương mới giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh các dự án hợp tác nghiên cứu chung giữa các trường đại học, viện nghiên cứu hai nước, và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam ”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn.
Bài, ảnh: Minh Châu - Ánh Tuyết
|