Bản in
Việt Nam có nhiều cơ hội ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong 10 năm gần đây đã có những thành tựu nổi bật, như máy tính có thể nhận dạng, dịch thuật giọng nói của con người,… và nhiều nghiên cứu ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác. Với Việt Nam, có thể tập trung nghiên cứu, phát triển AI trong các lĩnh vực như y tế, năng lượng, nhận dạng giọng nói, hình ảnh,…

Đó là chia sẻ của TS. Bùi Hải Hưng, chuyên gia công nghệ tại Nuance Communications (Mỹ) về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi triển khai nghiên cứu, ứng dụng AI. 

Chú trọng đào tạo nhân lực

PV: AI trên thế giới hiện nay đang phát triển như thế nào, thưa ông? 

- TS. Bùi Hải Hưng: AI trong vòng 10 năm trở lại đây đã có những thành tựu rất nổi bật và đột phá. Cốt lõi nhất của sự đột phá là công nghệ Deep learning (kỹ thuật học sâu) dựa trên nền tảng Machine learning (máy học), Neural Network (mạng nơ-ron nhân tạo), statistics (số liệu thống kê) và big data (dữ liệu lớn). 

Ví dụ về ứng dụng AI như, máy tính có thể hiểu giọng nói của con người, dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác tương đối với chất lượng cao; máy tính có thể nhận dạng được hình ảnh,… Những ứng dụng này bắt đầu lan tỏa ra nhiều mảng khác trong xã hội như nghiên cứu AI cho y tế, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác. Việc ứng dụng AI ngày càng được mở rộng. Tôi nghĩ AI có thể tạo ra sự thay đổi toàn diện, đột phá cho các ngành công nghiệp trên thế giới cũng như trong cuộc sống.  

PV: Việt Nam gần đây đang huy động lực lượng để nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI. Theo ông, có những khó khăn và cần giải bài toán gì khi phát triển AI tại Việt Nam? 

- Việt Nam đã có những khởi đầu về AI khá tốt, cụ thể đã bắt đầu có những công ty, phòng thí nghiệm AI được thành lập. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải vấn đề thiếu hụt về nhân lực, nhân tài có khả năng tiếp cận và làm việc một cách hiệu quả trong lĩnh vực AI. Vấn đề mũi nhọn nhất trong AI chính là học sâu dựa trên nền tảng học máy, xác suất thống kê, khoa học dữ liệu,… Những nội dung này, Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo được một cách bài bản ở cấp đại học, cấp sau đại học thì khó khăn hơn. 

Theo tôi, việc đào tạo thế hệ kế tiếp, những kỹ sư, nhà nghiên cứu có khả năng làm việc một cách hiệu quả trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, khi đào tạo cơ bản về AI, các trường đại học của Việt Nam có thể gặp khó khăn vì cần kinh phí tương đối lớn. Việc này rất cần sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. 

Thứ hai, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng nhiều vào ứng dụng AI nhưng chưa có một nhóm hạt nhân thực sự tiếp cận môi trường nghiên cứu của thế giới. Nếu có nhóm nghiên cứu hạt nhân đó, sẽ có thể tạo ra hiện tượng lan tỏa và nhân rộng được nhiều nhóm nghiên cứu với các công trình mang tính ứng dụng cao. 

Thứ ba là vấn đề dữ liệu lớn. Cần thiết kế được hệ thống lưu trữ dữ liệu ở mức độ lớn và dùng data đó để phát triển công nghệ AI. Vấn đề tài nguyên tính toán cũng cần được quan tâm, đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất của AI. Đó là những vấn đề chúng ta nên quan tâm, đầu tư.  

Thiết bị dịch từ tiếng thành chữ, từ chữ thành tiếng của VAIS (Vietnam Artificial Intelligent Systems - Hệ thống AI Việt Nam)

Tạo môi trường thu hút người Việt 

PV: Theo ông, Việt Nam nên tập trung vào những lĩnh vực gì? 

- Tất cả những lĩnh vực như y tế, năng lượng,… đều có những phạm trù riêng chúng ta có thể quan tâm và tập trung phát triển. Cùng với đó là các vấn đề đặc thù riêng của Việt Nam như nhận dạng giọng nói, ngôn ngữ.

PV: Hiện số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không nhỏ. Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển AI của Việt Nam? 

- Đúng là số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không nhỏ, trong đó có những chuyên gia uy tín trên thế giới tại các đơn vị hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft hay những giáo sư tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. 

Tôi nghĩ phần lớn những người Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn nhìn thấy sự phát triển của ngành này ở Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn. Cá nhân tôi cũng mong muốn được nhìn thấy sự phát triển của AI tại quê hương. Dù ở nước ngoài khá lâu nhưng tôi thường xuyên trở về và cũng tâm huyết cho việc phát triển, đặc biệt là AI tại Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hỗ trợ, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam.   

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong điều kiện nào, người Việt ở nước ngoài cũng có thể đóng góp một cách tốt nhất. Tôi cũng đã thấy có một số công ty công nghệ Việt Nam đầu tư thuê các giáo sư đang làm việc tại nước ngoài về làm việc cho họ, hoặc thành lập những phòng Lap, không phải ở Việt Nam mà ở nước ngoài. Đó là những dấu hiệu rất tốt, mục đích là tạo ra môi trường để họ vẫn có thể đóng góp cho các ngành nghiên cứu ở mức độ tương đương với mức họ đang ở nước ngoài. Điều đó sẽ tạo thành một hiệu ứng rất tốt, hiệu ứng dây chuyền và sẽ là nguồn hứng khởi cho Việt Nam, trong đó có thế hệ trẻ. 

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

 

TS. Bùi Hải Hưng hiện đang công tác tại Nuance Communications (Mỹ). Ông nhận bằng Tiến sỹ năm 1998 tại Đại học Công nghệ Curtin (Úc). Sau đó, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Công nghệ Curtin và từ năm 2005 đến năm 2012, ông là nghiên cứu viên tại Trung tâm AI, SRI International (Mỹ). Trọng tâm nghiên cứu của TS. Bùi Hải Hưng gồm AI, Học máy và Khai phá dữ liệu.

TS. Bùi Hải Hưng là 1 trong số 100 chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ mời về tham dự Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 – VietNam Innovation Network 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức từ ngày 18 – 24/8/2018 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. 

 

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên