|
|||
Hội thảo trong khuôn khổ Tiểu dự án “Hoàn thiện hệ thống thống kê, đánh giá, đo lường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Tiểu dự án FIRST-NASATI) thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (gọi tắt là dự án FIRST). Tham dự Hội thảo có TS. Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; ông Lương Văn Thắng - Giám đốc dự án First - Bộ KH&CN; TS. Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - Tổng Cục Thống kê; TS. Hồ Ngọc Luật - Ban quản lý Tiểu dự án First; cùng các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp. Để triển khai các hoạt động KH&CN theo tinh thần đổi mới của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động Đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được quy định trong Nghị định số 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ KH&CN đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cơ sở những thông tin thống kê và đánh giá chính xác, đầy đủ và cập nhật. Hoạt động thống kê KH&CN cung cấp những số liệu và bằng chứng thuyết phục nhất phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, công tác thống kê KH&CN hơn lúc nào hết đòi hỏi phải được xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ so sánh quốc tế. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: “Hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nói riêng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt xây dựng và triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ doanh nghiệp. Báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index-GII) năm 2018, Việt Nam được xếp ở vị trí 45 trên 126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng của Việt Nam liên tục được cải thiện trong xếp hạng GII những năm gần đây: năm 2018 tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016”. Tuy nhiên, công tác thống kê đổi mới sáng tạo nhất là đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở nước ta chưa được triển khai bài bản, đồng bộ để cung cấp những số liệu thống kê chính xác, tin cậy, có thể so sánh quốc tế về đổi mới sáng tạo cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, để từ đó hoạch định các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp một cách phù hợp, hiệu quả thiết thực. Nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong thống kê KH&CN, trong đó tập trung vào thống kê đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ của Tiểu dự án FIRST-NASATI, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã phối hợp với Công ty tư vấn OCD và các cơ quan liên quan tiến hành cuộc điều tra thử nghiệm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo phương pháp luận quốc tế từ tháng 7/2017. Cuộc điều tra này nhằm vận dụng và thử nghiệm phương pháp luận điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp theo phương pháp luận của OECD; thu thập thông tin ban đầu về hiện trạng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoàn thiện phương pháp luận điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp phù hợp với Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu hoạt động đổi mới sáng tạo, đo lường mức độ đổi mới và đánh giá rút kinh nghiệm từ điều tra thử nghiệm. TS. Trần Đắc Hiến cho biết thêm.
Toàn cảnh Hội thảo Bà Hoàng Thị Thúy Nga, PGĐ kinh doanh - Công ty Cổ phần tư vấn quản lý OCD cho biết: Điều tra thí điểm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp giai đoạn 2014-2016 là cuộc điều tra toàn bộ kết hợp với chọn mẫu các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên phạm vi cả nước. Có 8000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo được lựa chọn dựa trên các tiêu chí ngành kinh tế và quy mô doanh nghiệp theo lao động. Phương pháp thu thập dữ liệu sử dụng trực tiếp điều tra viên phỏng vấn đối tượng cung cấp dữ liệu của doanh nghiệp về nội dung điều tra và ghi vào phiếu điều tra. Trong thời gian điều tra, đã sử dụng quy trình và cơ chế giám sát, quản lý chất lượng chặt chẽ gồm nhiều lớp, có kiểm tra chéo và được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo tính trung thực của dữ liệu. Theo TS. Hồ Ngọc Luật, phương án điều tra thử nghiệm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp chế biến, chế tạo có cơ sở khoa học, có giá trị thực tiễn, và cơ bản nhất, phương án này có tính khả thi cao. Phương pháp thu thập dữ liệu điều tra thông qua điều tra toàn bộ kết hợp với chọn mẫu các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên phạm vi cả nước, theo phương thức trực tiếp thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra (phỏng vấn trực tiếp đối tượng cung cấp thông tin của doanh nghiệp về nội dung điều tra và ghi vào phiếu điều tra) có tính khả thi cao. Bước đầu lựa chọn và áp dụng các chỉ tiêu thống kê đổi mới sáng tạo cho thấy có thể tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu này. Do điều tra thử nghiệm lần đầu, nên có một số khái niệm rất mới đối với Việt Nam trong quá trình điều tra không được đề cập đúng mức, cũng như hiểu rõ bản chất. Đây là những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa trong các điều tra tiếp theo. Theo TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - Tổng Cục Thống kê, đổi mới sáng tạo nói chung và công tác thống kê đổi mới sáng tạo nói riêng là rất quan trọng, được các nước phát triển quan tâm, phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên ở Việt Nam, công việc này chưa được quan tâm đúng mức. Đổi mới sáng tạo là tiền đề không thể thiếu và có tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy, công tác thống kê thu thập thông tin đánh giá đầy đủ thực trạng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam là rất quan trọng, từ đó cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định các chính sách, chiến lược định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế. TS. Trần Đắc Hiến nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có được bức tranh khá hoàn chỉnh về hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đặc điểm đổi mới sáng tạo, những rào cản đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội tốt để các chuyên gia, các nhà quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về kết quả điều tra, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý hoàn thiện phương pháp điều tra đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam”. Tin, ảnh: Đăng Minh |