Bản in
Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của “hai anh em nhà họ Hồ”
Hồ Mạnh Tùng và Hồ Mạnh Toàn đều là các nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội ở độ tuổi dưới 30. Mặc dù mới tham gia nghiên cứu khoa học chưa lâu, nhưng 2 anh em nhà họ Hồ đã có thành tích khoa học ấn tượng.

 Hồ Mạnh Tùng (3 năm kinh nghiệm nghiên cứu) đã có tổng cộng 9 bài đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (2 bài tác giả thứ nhất); trong đó có những Tạp chí rất uy tín như Sustainability – IF 2.0, Studies in Higher Education – IF 2.3 hay Palgrave Communication, tạp chí KHXH&NV duy nhất thuộc danh mục xuất bản của Nature Research danh tiếng.

 
Hồ Mạnh Toàn, mặc dù mới chỉ tham gia nghiên cứu từ tháng 10/2017 đến nay, cũng đã kịp “bỏ túi” 01 bài (đồng tác giả với anh trai Hồ Mạnh Tùng và một số đồng nghiệp khác) trên tạp chí Societies (thuộc danh mục ESCI).
 
Chàng trai trẻ và sự dấn thân vào nghiên cứu về khoa học xã hội
 
Tùng chia sẻ bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp khoa học non trẻ của mình là việc được tham gia vào nhóm nghiên cứu về KHXH liên ngành dưới sự hướng dẫn của TS. Vương Quân Hoàng (ĐH Tổng hợp Bruxelles và ĐH Thành Tây) từ tháng 2/2017.
 
“Quá trình học nghề nghiên cứu (với TS. Vương Quân Hoàng) không dễ dàng, nhưng tôi luôn thấy may mắn vì được huấn luyện và thử thách từ những kĩ năng nhỏ nhất: thu thập và làm sạch dữ liệu, viết bản thảo, sửa bản thảo, diễn giải kết quả thống kê…. Tôi luôn thấy hào hứng vì được “cọ sát và thi đấu ở môi trường quốc tế”; từ việc phải viết và điều chỉnh bản thảo sao cho phù hợp với quy phạm của tạp chí, cho tới viết thư cho ban biên tạp sao cho dành được sự chú ý của họ, cho tới việc trả lời các phản biện sao cho đầy đủ và thuyết phục, tất cả đã dạy cho tôi rất nhiều bài học.”
 
Còn với Hồ Mạnh Toàn, người tự nhận vốn chịu ảnh hưởng từ anh trai ngay từ nhỏ, thì việc tiếp bước anh tham gia vào nghiên cứu cũng là một việc rất tự nhiên.
 
“Khi mình học cấp 3 cũng là lúc anh trai mình bắt đầu đọc và theo dõi một số chuyển động của thế giới học thuật, đặc biệt là triết học thì mình cũng bị ảnh hưởng theo” – Toàn chia sẻ.
 
Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện nay, Toàn cũng đã bước đầu định hình được hướng nghiên cứu riêng của mình. Bên cạnh các dự án chung với nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS. Vương Quân Hoàng, Toàn mới hoàn thành xong một bản thảo về thị trường tranh giả ở Việt Nam với vai trò là tác giả thứ nhất, là một chủ đề hầu như chưa tác giả người Việt nào nghiên cứu trước đây.
 
“Mình nhắm nộp bài báo đó tại một tạp chí uy tín về lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn, Tại Việt Nam, phần lớn các công bố quốc tế mạnh đều thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên hoặc xã hội chứ lĩnh vực nhân văn hoặc nghệ thuật chưa có nhiều”- Toàn giải thích.
 
Đánh giá về Tùng và Toàn, TS. Phạm Hiệp, người tham gia đồng nghiên cứu và cùng với TS. Vương Quân Hoàng hướng dẫn 2 bạn từ những bước đầu, nhận xét: “Điểm chung 2 bạn đã có sự chuẩn bị chu đáo từ phông kiến thức, khả năng ngoại ngữ cho đến thái độ làm việc trước khi tham gia vào nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Điều này khiến cho các bạn hòa nhập với công việc nghiên cứu đỉnh cao khá nhanh và chắc chắn”.
 
Mặc dù vậy, cũng theo TS. Hiệp, Tùng và Toàn mỗi người lại có một thế mạnh khác nhau và bổ trợ tốt cho nhau.
 
“Tùng “kiên trì” và “chắc chắn” trong từng bước một của quá trình nghiên cứu, còn Toàn thì nắm vấn đề và thích ứng rất nhanh với yêu cầu mới” – TS. Hiệp chia sẻ.
 
Những “trái ngọt” ở trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng
 
Trong các công trình mới công bố của Tùng, Toàn và nhóm nghiên cứu là nghiên cứu thuộc lĩnh vực y xã hội với tiêu đề: Healthcare consumers’ sensitivity to costs: a reflection on behavioural economics from an emerging market (tạm dịch - Sự nhạy cảm của người tiêu dùng dịch vụ sức khỏe đối với chi phí: góc nhìn kinh tế học hành vi tại một thị trường mới nổi) được đăng trên Tạp chí Palgrave Communication, tạp chí khoa học xã hội – nhân văn duy nhất trong danh mục xuất bản của Nature Research danh giá. (https://www.nature.com/articles/s41599-018-0127-3 DOI: 10.1057/s41599-018-0127-3).
 
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phát hiện ra rằng, tại Việt Nam, những người thuộc nhóm không có bảo hiểm, đã kết hôn và có công việc ổn định thường có xu hướng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dịch vụ khám sức khỏe tổng quan. Điều này được giải thích từ góc độ rủi ro trong kinh tế: những người kể trên sẽ có tâm lý sợ rủi ro (vì không có bảo hiểm, vì sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ ảnh hưởng đến công việc) nên sẽ sẵn sàng chi trả hơn so với nhóm người còn lại. Nghiên cứu kể trên cũng đã đóng góp bằng chứng cho nhận định của một số nhóm nghiên cứu khác trên thế giới về sự cần thiết của hoạt động khám sức khỏe tổng quan.
 
Một công trình nổi bật khác của nhóm nghiên cứu của Tùng, Toàn và các cộng sự là nghiên cứu: Effects of work environment and collaboration on research productivity in Vietnamese social sciences: evidence from 2008 to 2017 scopus data (tạm dịch – Tác động của môi trường làm việc và mô hình hợp tác đến năng suất nghiên cứu trong khoa học xã hội Việt Nam: minh chứng từ dữ liệu Scopus giai đoạn 2008 đến 2017) được đăng trên Tạp chí Studies in Higher Education, tạp chí hàng đầu thế giới về giáo dục đại học, thuộc danh mục SSCI và có chỉ số tác động 2.3 (https://srhe.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/03075079.2018.1479845#.W0jBU2Qzbx5 DOI: doi.org/10.1080/03075079.2018.1479845 )
 
Nghiên cứu này phân tích thực trạng của ngành khoa học xã hội ở Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế. Cụ thể trong giai đoạn 2008-2017, trong số mẫu 492 nhà khoa học được khảo sát chỉ có 86 người (chiếm tỷ lệ 17%) có ít nhất 01 công trình công bố trở lên trong vòng 2 năm (tương đương 5 công trình trở lên/10 năm). Số 79% còn lại đều có năng suất nghiên cứu rất thấp: dưới 5 bài/10 năm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhà khoa học tại các trường đại học có xu hướng công bố tốt hơn so với nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu.
 
Cụ thể, ở nhóm có năng suất nghiên cứu cao, trung bình một giảng viên đại học công bố 11,09 bài/10 năm từ 2008-2017; trong khi cùng giai đoạn này, một nghiên cứu viên tại viện nghiên cứu công bố được trung bình 10,69 bài. Con số tương ứng với nhóm có năng suất nghiên cứu thấp là 3,64 so với 3,62. Điều này dường như trái với nhận định phổ biến cho rằng các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu tập trung nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học nên có kết quả nghiên cứu tốt hơn.
 
Bên cạnh khoa học, thể thao cũng là một trong những đam mê khác của Tùng và Toàn. Tùng trước đây đã suýt đi theo con đường VĐV chuyên nghiệp với 3 HCB Giải vô địch Pencak- Silat Toàn quốc năm 2007, và 2HCB, 1HCĐ Giải Wushu tại Hội khỏe Phù Đổng Toàn quốc năm 2008. Còn Toàn từng có cơ hội tham gia giải bóng đá học sinh thành phố Hà Nội trong thời gian học cấp 3. Khi còn học tại Nhật, Toàn đã từng làm BTC World Cup dành cho sinh viên quốc tế tại trường.
 
 
Hồ Mạnh Tùng suýt trở thành 1 VĐV Pencak-Silat cách đây 10 năm.
 
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tham gia nghiên cứu trong nhóm của TS. Vương Quân Hoàng và TS.Phạm Hiệp, một trong những mục tiêu quan trọng của cả Tùng và Toàn là theo học chương trình nghiên cứu sinh và lấy bằng ThS, TS. Bản thân Tùng đang là học viên cao học năm 1 tại Nhật Bản. Toàn cũng đang tìm kiếm học bổng để có thể sớm xuất ngoại.
 
Khi được hỏi: Lliệu có tiếc nếu Tùng và Toàn đi nước ngoài rồi sẽ không trở về làm việc với mình nữa không?”, TS. Vương Quân Hoàng cho biết “Hội nhập quốc tế về NCKH là việc cần làm với KHXH Việt Nam hiện nay.Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các em hết sức có thể. Nhưng nếu “sân khấu” của chúng tôi quá nhỏ thì cũng phải để các em chuyển đến các “sân khấu” khác lớn hơn”.
 
 
Hồ Mạnh Tùng sinh năm 1989, là nghiên cứu viên tại Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH&VN và là cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường ĐH Thành Tây. Hiện Toàn đang học sau đại học về quản trị học tại ĐH Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản, chuyên ngành quản trị.
 
Hồ Mạnh Toàn sinh năm 1995, tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Hiện Toàn đang là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường ĐH Thành Tây.