Bản in
Cơ hội và thách thức khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo
Để phát triển du lịch điều quan trọng cần làm hiện nay không chỉ riêng với các trường đại học là phải giáo dục khởi nghiệp và tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn là sự thay đổi tư duy của các cấp quản lý, lãnh đạo.

Sáng 22/6/2018, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐHQG Hà Nội (VNU-CSK) phối hợp với Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) đã tổ chức buổi tọa đàm "Khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo - Cơ hội và thách thức". Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Cafe Buisiness Start-up thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của VNU-CSK.

Thị trường du lịch- mỏ vàng không khói

Phát biểu khai mạc, ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc VNU-CSK cho biết, tại Việt Nam, thị trường du lịch đang được đánh giá là mảnh đất tiềm năng và khởi nghiệp sáng tạo vào thị trường này là hoàn toàn khả thi. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp về du lịch với những mô hình mới như du lịch cộng đồng, kinh doanh du lịch trực tuyến, dịch vụ đặt phòng, dịch vụ đặt vé máy bay... Một số startup đã thành công khi tận dụng được xu hướng công nghệ và giải quyết được các vấn đề lớn của khách hàng như Triip.me, VNTrips, Tripi... Tuy nhiên theo ông thì các hoạt động kinh doanh du lịch vẫn còn những tồn tại như chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các doanh nghiệp và địa phương du lịch. Nguồn lực hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp vừa thiếu, vừa yếu cùng trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... 
 
Là đối tác của VNU-CSK,  ông Lý Đình Quân - giám đốc Songhan Incubator nhận định, trước bối cảnh Việt Nam đang nợ công, các nguồn tài chính hạn hẹp thì cách tạo việc làm nhanh nhất chính là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh vốn có của đất nước. Bên cạnh đó nguồn nhân lực cho lĩnh vực này rất phong phú, đặc biệt là nhân lực nữ. 
 
Ông Lý Đình Quân cũng thông tin thêm, mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn lễ hội, kéo theo đó là tài nguyên du lịch liên quan đến phát triển ẩm thực địa phương rất phong phú nhưng hầu hết các địa phương vẫn chưa chú trọng xây dựng những sản phẩm này thành thương hiệu để thương mại hóa. 
 
Vì vậy, theo ông Quân, để phát triển du lịch điều quan trọng cần làm hiện nay không chỉ riêng với các trường đại học là phải giáo dục khởi nghiệp và tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn là sự thay đổi tư duy của các cấp quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới nền giáo dục, hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ. 
 
“Từ kinh nghiệm bản thân ông cũng chia sẻ, với những người đi làm khởi nghiệp như mình thì quá trình thực hiện là cho trước, nhận sau để các đối tượng tham gia nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và thậm chí cả về vốn và đến khi thành công mới có trách nhiệm đóng góp trở lại”. 
 
Cần tư duy rõ ràng về khởi nghiệp
 
Ông Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Khởi nghiệp Quốc gia thì cho biết, bản thân mình sau khi tốt nghiệp đại học từng làm việc cho một nhà đầu tư có tên tuổi của nước ngoài. Tuy nhiên, sau 10 năm làm việc, ông nhận thấy cần phải khẳng định chính mình nên đã từ chối những ưu ái của nhà đầu tư này để tự khẳng định mình trên thương trường và với kinh nghiệm của mình thì lĩnh vực cần làm chính là hỗ trợ và tư vấn khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
 
Ông cũng có lời khuyên cho các bạn trẻ bắt đầu con đường khởi nghiệp, muốn trở thành một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy rõ ràng về khởi nghiệp. Đây là một con đường đi không bao giờ dễ dàng và bằng phẳng, điều quan trọng chúng ta có dám đi tới cùng và có dám chấp nhận đánh đổi để đi theo nó.
 
Các bạn trẻ cũng cần xác định rõ khi bắt đầu khởi nghiệp, mình có gì, nên bắt đầu từ đâu? Hãy  bắt đầu bằng sự phù hợp và tiếp nhận sự phản hồi, không ngừng thay đổi để hoàn thiện bản thân
 
 
Ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc VNU-CSK phát biểu tại tọa đàm.
 
Bà Nguyễn Huyền Phương - người sáng lập Dự án Tình nguyện Giáo dục (VEO) cho biết, trong các hoạt động của mình, việc tổ chức cho các bạn trẻ và cả các đối tượng người nước ngoài đến với nông thôn và miền núi cũng là một hoạt động du lịch. Với việc làm này, người dân các địa phương vừa thu được tiền từ du khách vừa được các du khách đóng góp bằng các hoạt động có ý nghĩa như làm đường, trồng cây... 
 
Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là ngoài ý tưởng, tiền vốn và công nghệ thì các bạn trẻ phải biết quản trị doanh nghiệp để hoạt động của mình đem lại giá trị và sinh lời. Nếu làm tốt được điều đó, vốn đầu tư sẽ đến với họ từ xã hội bởi các nhà đầu tư tài chính và doanh nghiệp của họ nếu hấp thụ được sẽ có sự phát triển rất tốt. 
 
Những cơ hội và thách tức của các bạn trẻ khi dấn thân vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch- ngành công nghiệp không khói, mỏ vàng của nền kinh tế, ông Vương Quốc Thắng khẳng định, trong thời gian tới VNU-CSK và Songhan Incubator sẽ hợp tác với Khoa Du lịch của ĐHQG Hà Nội cùng các khoa khác để thúc đẩy các dự án khởi nghiệp của trong lĩnh vực du lịch.
 
Bài ảnh: PV