Bản in
Điều trị biến chứng sơ gan bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch
Các bệnh về gan thường dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây ra sự tắc nghẽn dòng chảy trong hệ cửa trước, trong hoặc sau gan,dẫn đến chảy máu do vỡ vòng nối tĩnh mạch...dẫn đến tử vong. Một trong những phương pháp điều tri tối ưu nhất hiện nay là kỹ thuật can thiệp nội mạch

 Phương pháp điều trị kinh điển  


Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là hậu quả của sự tắc nghẽn dòng chảy trong hệ cửa bao gồm 3 nhóm cơ bản dựa trên vị trí tắc nghẽn, đó là: tăng áp lực tĩnh mạch cửa trước gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tại gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa sau gan.

Đây là hậu quả của nhiều tình trạng bệnh lý, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là xơ gan do viêm gan virus, do uống nhiều rượu, bia... dẫn đến tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Một trong những biến chứng nặng nề nhất là chảy máu do vỡ vòng nối tĩnh mạch thực quản - dạ dày.


Hiện nay, số người mắc bệnh này ngày càng  tăng, trong khi đó khả năng điều trị triệt để bệnh xơ gan là chưa thể thực hiện đượctrong điều kiện hiện nay. Biến chứng chảy máu tiêu hoá ở bệnh nhân xơ gan đã, đang và sẽ còn là thách thức lớn đối với các thầy thuốc trong thực hành lâm sàng. Tuy các biện pháp nội khoa, nội soi và ngoại khoa đã được áp dụng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, và không thể cứu sống được bệnh nhân trong những trường hợp chảy máu nặng.


Vì thế, các phương pháp điều trị ngoại khoa kinh điển đã được thực hiện nhằm hạn chế lượng máu đến tĩnh mạch cửa như thắt tĩnh mạch vành vị, thắt động mạch lách, thắt động mạch gan chung, cắt bỏ một phần bờ cong lớn dạ dày v.v. và phẫu thuật phân lưu cửa chủ ngoài gan như tạo cầu nối lách - thận, cầu nối tĩnh mạch mạc treo tràng trên-tĩnh mạch chủ dưới... Nếu chảy máu nặng, can thiệp nội soi không kiểm soát được, bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu. Nếu mức độ chảy máu còn nằm trong tầm kiểm soát của phương pháp nội khoa và nội soi thì tình trạng tái phát nhanh và nhiều làm cho cuộc sống bệnh nhân phải phụ thuộc bệnh viện, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thấp.

Lựa chọn kỹ thuật can thiệp nội mạch

Từ những năm 1990, sự phát triển của chuyên ngành can thiệp nội mạch với kỹ thuật phân lưu cửa - chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (Transjugular Intrahepatic Portosystemic Shunt - TIPS) đã góp phần giải quyết vấn đề này nhờ tính chất nhẹ nhàng và hiệu quả cao trong kiểm soát chảy máu tiêu hóa tái phát và cổ chướng dai dẳng ở bệnh nhân xơ gan có tăng áp lực tĩnh mạch cửa.


Sau hơn 20 năm, kỹ thuật trên đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến tại các trung tâm can thiệp mạch trên thế giới, là giải pháp hữu hiệu cho các trường hợp chảy máu tái diễn do vỡ  tĩnh mạch thực quản mà các biện pháp điều trị nội khoa, nội soi và ngoại khoa đã thất bại.


Mục đích của can thiệp là làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa để điều trị hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa có biến chứng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản. Đây là một kỹ thuật nhẹ nhàng, tránh một phẫu thuật nối mạch máu phức tạp, nặng nề. Song đây là một kỹ thuật khó và tinh tế, đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật can thiệp nội mạch.


Nhờ sự đầu tư của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay kỹ thuật này đã được triển khai thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Để thực hiện kỹ thuật này, người bệnh được gây mê nội khí quản, thầy thuốc sử dụng các dụng cụ chuyên biệt chọc qua tĩnh mạch cảnh trong bên phải, luồn dây dẫn qua tĩnh mạch chủ trên, nhĩ phải, xuống tĩnh mạch chủ dưới và vào tĩnh mạch gan phải. Điều trị bằng phương pháp này, bệnh nhân không cảm thấy đau, thời gian điều trị ngắn và rất an toàn.


Đây là một trong những đỉnh cao trong lĩnh vực y học đã được ứng dụng thành công ở nước ta thông qua đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước thuộc chương trình KC.10/06-10: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị một số bệnh”, do GS.TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y làm chủ nhiệm đề tài.


GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết, việc áp dụng thành công kỹ thuật trên đã đưa trình độ can thiệp nội mạch của nước ta ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.cố.


Linh Anh