Bản in
Hướng đến làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao
Dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tài trợ được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội làm chủ công nghệ cũng như chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may hiện nay.

Khuyến khích đầu tư từ nguyên liệu sẵn có

Ông Phan Đức Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước cho biết, hiện nhu cầu thị trường dệt may trên thế giới rất lớn với quy mô năm 2015 đạt 1.200 tỷ USD, chiếm khoảng 1,8% GDP toàn cầu. Dự báo đến năm 2025, quy mô ngành dệt may toàn cầu đạt 2.110 tỷ USD, tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2015-2025 đạt khoảng 5%/năm.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 10 năm gần đây, bông, sợi gai là loại nguyên phụ liệu được sử dụng nhiều nhất trong phân khúc sản phẩm dệt may cao cấp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhu cầu bông, sợi gai của Việt Nam rất lớn.

Theo khảo cứu về thị trường tơ, sợi, bông trong những năm 2013, 2014, 2015, để duy trì sư tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp dệt may, mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 80% - 85% (tương đương khoảng gần 1 triệu tấn/năm) lượng nguyên liệu bông, sợi dùng cho sản xuất vải. Thời gian qua, sản lượng bông, sợi gai dệt nhuộm dùng trong nước chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Khoảng 70% sợi gai tự nhiên nhập khẩu được dùng để dệt ra vải gai cao cấp – Ramie Textile.

Tại Việt Nam, cây gai đã có mặt từ hàng nghìn năm nay và thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu. Nhưng khối lượng bông, sợi dệt từ gai được chế biến trong nước gần như chưa có. Cây gai được trồng chủ yếu để lấy lá làm bánh, lấy vỏ cây để dệt sợi thủ công, thổ cẩm, chất lượng và mẫu mã chưa có độ tinh xảo. Lượng bông, sợi, vải gai tinh chế được tiêu thụ tại thị trường trong nước rất lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gai của Việt Nam đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng với thị trường tiêu thụ và tài nguyên đất dồi dào để phát triển nguồn nguyên liệu.

Cây gai xanh An Phước ở Thanh Hóa được quy hoạch trên 12 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, diện tích trồng khảo nghiệm đến năm 2017 là 200 ha, dự kiến vụ xuân hè và vụ đông năm 2018 là 332ha/vụ. Điều đó đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, với thu nhập từ 5,5-7 triệu đồng/tháng.

Với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định cho phép Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu An Phước thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất sợi dệt, kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Khi nhà máy xây xong sẽ thu mua nguyên liệu cây gai xanh (Ramie), qua đó giúp ngành dệt may nước ta chủ động về nguyên liệu, tạo nên các loại vải cao cấp để xuất khẩu.

Tăng sức cạnh tranh cho ngành dệt may

Xuất phát từ thực tế nói trên, nhóm hợp tác An Phước đã đề xuất và được Bộ KH&CN thông qua Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST) phê duyệt tiểu dự án Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho nghành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm”. Tiểu dự án được triển khai từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2018 và hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ trong một chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, canh tác trên quy mô công nghiệp đến khâu chế biến tơ sợi từ cây gai xanh phục vụ ngành dệt may.  

Nhà máy sản xuất chế biến tơ sợi hiện đã hoàn thành 80%  khối lượng công việc

Nhóm hợp tác An Phước gồm 7 thành viên: Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước – Thành viên đứng đầu Nhóm hợp tác; Viện Di truyền Nông nghiệp - Đơn vị nghiên cứu; Công ty cổ phần sản xuất bao bì Đài Việt; Công ty cổ phần chế phẩm sinh học Minh Tuấn; Công ty TNHH đầu tư phát triển dịch vụ Phúc Điền; Công ty cổ phần nông nghiệp bền vững Đất Việt; Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ KND.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đức Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước cho biết, hiện tại khâu làm giống trồng vụ xuân hè năm 2018 đã hoàn thành 100% và 30% đối với khâu trồng. Nhà máy sản xuất chế biến tơ sợi hiện đã hoàn thành 80%  khối lượng công việc.

“Giống gai xanh AP1 đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Dự kiến Quý II/2018 chúng tôi sẽ xin cấp giấy chứng nhận đại trà”, ông Tuệ nói.

Ông Phan Đức Tuệ cho rằng, đây là hướng đi rất đúng đắn và hiệu quả. “Mô hình này tạo được một khối đoàn kết, sức mạnh tổng hợp từ các thành viên trong nhóm. Ví dụ trong nhóm hợp tác An Phước, Viện Di truyền nông nghiệp hỗ trợ nhiều về công tác nghiên cứu giống, có đơn vị sản xuất, phân phối ra thị trường, có đơn vị giúp về công tác môi trường, xử lý các sản phẩm phụ của cây gai, truyền thông, quảng bá sản phẩm,…  

Đánh giá cao nỗ lực của các thành viên, hiệu quả của mô hình hợp tác, liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, ông Trần Quốc Thắng - nguyên Giám đốc Dự án FIRST cho rằng, các thành viên trong nhóm hợp tác An Phước đã và đang tập trung triển khai, đảm bảo đúng tiến độ các công việc. Đây là dự án ứng dụng được các công nghệ mới, có tính ứng dụng KH&CN cao, đặc biệt từ khâu giống đến sản xuất tơ sợi từ cây gai xanh, và sẽ có tính lan tỏa trên diện rộng với nhiều cộng đồng, tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dự án, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho ngành dệt may Việt Nam.

Dự kiến, khi tiểu dự án kết thúc, nhóm hợp tác sẽ làm chủ được đồng bộ các qui trình công nghệ từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tách và xử lý sợi cây gai xanh bằng các chủng vi sinh đặc hiệu, công nghệ trong sản xuất hàng gia dụng, công nghệ chế biến phân hữu cơ nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây gai xanh tại Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, đáp ứng một phần các nhu cầu về nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam, đồng thời trồng gai góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.

Cụ thể, làm chủ quy trình công nghệ từ khâu giống cây con đến canh tác giống gai xanh năng suất 30 tấn/ha/lần thu hoạch, thích nghi rộng, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường. Triển khai vùng trồng cây gai xanh với diện tích 3.000 ha để phục vụ nhà máy sản xuất chế biến tơ sợi với công suất 2.500 tấn/năm. Cùng với đó, hoàn thiện làm chủ công nghệ dây chuyền sản xuất và chế biến tơ sợi từ cây gai xanh chất lượng cao đạt tiêu chuẩn tối thiểu 36NM (nanomet), độ mịn của sợi <= 5.56 dtex (1800 sợi trở lên), cường độ đứt của sợi cN/dtex >= 4.50.

Việc làm chủ công nghệ này bao gồm cả việc làm chủ công nghệ xử lý nước thải bằng công  nghệ vi sinh đảm bảo an toàn môi trường nước thải loại A theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cho nghành dệt may, cũng như tận dụng các phụ phẩm từ thân cây gai để phục vụ sản xuất bao bì, đồ hộp tự huỷ và tận dụng lá cây gai làm phân hữu cơ sinh học.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên