|
|||
Trong chương trình công tác năm 2018, ngày 1/3/2018, đoàn công tác do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đến làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình hoạt động của Khu CNC Hòa Lạc. Về phía đoàn công tác của Quốc hội còn có đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách; cùng sự tham dự của các lãnh đạo Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thường trực Uỷ ban Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, Vụ KH,CN&MT, Vụ Tài chính Ngân sách của Văn phòng Quốc hội.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự tham gia của đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban BQL Khu CNC Hòa Lạc cùng đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ và lãnh đạo BQL khu CNC Hòa Lạc.
Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội
Báo cáo tình hình xây dựng và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: chưa bao giờ, Khu CNC Hòa Lạc lại nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt, sát cánh của các Bộ, Ngành. Điều này thể hiện ngay trong số lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến làm việc và chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, khó khăn của Khu CNC Hòa Lạc. Tính từ ngày 22/2/2018 vừa qua, đây là lần thứ 3 Thủ tướng đến thăm Khu CNC Hòa Lạc trong vòng hơn một năm kể từ ngày 16/2/2017.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH& CN, Trưởng ban BQL Khu CNC Hòa Lạc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Văn Nguyên)
Và hơn 3 tháng sau ngày Thủ tướng thăm Khu CNC Hòa Lạc, đến ngày 20/6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP (Nghị định 74) quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hoà Lạc với những nguyên tắc ưu đãi nhất, thuận lợi nhất để tháo gỡ các khó khăn hiện tại, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào đây. Sự ra đời của Nghị định 74 đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trở ngại cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc. Có thể thấy rõ với Nghị định 74, Khu CNC Hòa Lạc đã có sự sức sống mới với những thay đổi rõ nét.
Tuy nhiên để Nghị Định 74 thực sự phát huy, Bộ KH&CN sẽ cùng Bộ Tài chính tháo gỡ một vài vướng mắc và sẽ sớm giải quyết trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, 2 nhóm vấn đề là xây dựng hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực cần phải có những cơ chế chính sách đặc thù riêng.
Ba thay đổi rõ nét nhất của Khu CNC Hòa Lạc
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh đến 3 thay đổi rõ nét nhất mà Khu CNC Hòa Lạc đạt được trong thời gian qua. Kết quả đạt được rõ nét đầu tiên phải nhắc đến đó là công tác xây dựng cơ chế chính sách. Ngoài Nghị định 74, BQL cũng đã phối hợp với các Khu CNC thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển chung các Khu CNC, báo cáo Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 về Quy chế Khu CNC đến nay đã không còn phù hợp với Luật Công nghệ cao năm 2008 và các quy định pháp luật mới được ban hành. Cơ chế này không chỉ giúp Khu CNC Hòa Lạc mà tạo cơ hội phát triển cho hệ thống các khu CNC cả nước phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến kết quả nổi bật trong năm vừa qua trong công tác thu hút đầu tư. Trong năm 2017, Ban Quản lý (BQL) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 dự án với tổng vốn đầu tư 5.053 tỷ đồng, trong đó tiêu biểu là Dự án “Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam” của Công ty TNHH Hanwa Techwin, Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư đăng ký 4.530 tỷ đồng vào ngày 22/9/2017. Dự án đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy tại Khu CNC Hòa Lạc, theo kế hoạch đến tháng 4/2018, Nhà máy đầu tiên của Hanwa TechWin sẽ đi vào hoạt động. Tính đến tháng 12/2017, Khu CNC Hòa Lạc đã có 81 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 66.174 tỷ đồng trên tổng diện tích 358ha.
Ngoài ra, BQL đã tiếp xúc, làm việc, đàm phán và đang thực hiện quy trình cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký đầu tư giai đoạn 1 cho 02 dự án của Tập đoàn NIDEC với số vốn đăng ký là 400 triệu đô la Mỹ (có kế hoạch đầu tư thêm 03 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn tiếp theo).
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Văn Nguyên)
Bên cạnh đó, BQL cũng đang thụ lý hồ sơ dự án đầu tư của một số Công ty tiềm năng trong nước như Dự án sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; dự án của Công ty ETC Holding với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.
Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ cũng là điểm sáng của Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian qua. Nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, định hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, BQL đã bước đầu triển khai các hoạt động về giới thiệu, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và ươm tạo 30 nhóm ươm tạo trong đó 07 nhóm đã tốt nghiệp...
Các trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Viettel, Nissan, FPT đã nghiên cứu ra nhiều công nghệ và giải pháp phục vụ phát triển những sản phẩm chiến lược của các tập đoàn này. Trường Đại học FPT hiện đang đào tạo khoảng 4.000 sinh viên công nghệ thông tin, trong đó năm 2016 có khoảng 800 sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ có việc làm đạt 96% sau 12 tháng ra trường.
Việc có sự tham gia đầu tư của các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu (Đại học FPT, Đại học KH&CN Hà Nội, Đại học Việt Nhật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện nghiên cứu Viettel, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc...) bước đầu góp phần xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng và cả nước nói chung, đây là những thành tố quan trọng, quyết định sự phát triển thành công của một Khu CNC.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, kiêm Trưởng BQL Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho biết lại 5 yếu tố để khu CNC Hòa Lạc thành công đó là quy hoạch, cơ sở hạ tầng, cơ chế, đầu tư và nhân lực. Và có thể nói, thời điểm này, 5 yếu tố này đã đạt được gần như trọn vẹn và năm 2018, Khu CNC Hòa Lạc sẽ tập trung vào phát triển tiềm lực KH&CN và thu hút đầu tư. Song, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng khẳng định: không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đặt tiêu chí mạch lạc, rõ ràng để đảm bảo Hòa Lạc là điểm đến của công nghệ cao chứ không phải là khu công nghiệp.
Kiến nghị Quốc hội cho áp dụng các chính sách thí điểm vượt luật
Bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đạt được, BQL cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc, thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết. Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc không chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 về quy chế khu CNC mà còn chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…
Một số điểm tại các luật này lại chưa phù hợp với thực tế về mô hình, tính chất của khu CNC, cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng cho các nhà đầu tư chưa cụ thể, thiếu nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã làm giảm tính minh bạch trong thực thi để thu hút nhà đầu tư. Mặt khác các chính sách ưu đãi không nhiều nổi trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí, quy định về công nghệ cao. Chưa có các cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ vượt trội để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu CNC. Bên cạnh đó, thẩm quyền của BQL lại chưa đầy đủ để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý và phát triển khu CNC.
Chính vì vậy, BQL Khu CNC Hòa Lạc kiến nghị với Quốc hội, sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân trong đó “Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc cho: dự án thuộc 04 lĩnh vực công nghệ cần ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định tại Điều 5 Luật Công nghệ cao; dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển”.
Trong quá trình cấp phép đầu tư, BQL Khu CNC Hòa Lạc kiến nghị Quốc hội xem xét lại thời điểm phê duyệt báo cáo ĐTM cho phù hợp để giảm thiểu bất lợi cho các nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo được các vấn đề về môi trường.
Đồng chí Phùng Quốc Hiển đã trao tặng bức tranh Bác Hồ cho đồng chí Chu Ngọc Anh nhân dịp chuyến thăm và làm việc của đoàn công Quốc hội dịp xuân Mậu Tuất 2018. (Ảnh: Văn Nguyên)
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị định 74/2017/NĐ-CP được ban hành dựa trên các quy định hiện hành trong khi Khu CNC Hòa Lạc có những đặc thù riêng về mô hình tổ chức, nguồn vốn và phương thức phát triển hạ tầng.... nên để phát triển nhanh Khu CNC Hòa Lạc Lạc cần phải có các chính sách thí điểm vượt luật. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, BQL sẽ báo cáo Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng các chính sách thí điểm vượt luật đối với Khu CNC Hòa Lạc.
Khó khăn được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Với diện tích phải thu hồi tương đối lớn (1.586 ha), thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thời gian thực hiện dài (từ năm 2002), công tác GPMB Khu CNC Hòa Lạc gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, về vốn... Thứ trưởng Phạm Đại Dương đưa ra một minh họa: nếu như trước đây, để GPMB 200 ha mất khoảng 60 tỷ thì nay con số đó là 2000 tỷ. Thực tế trên cho thấy, không thể cấp vốn giải phóng mặt bằng theo dạng dự án thông thường mà cần tính đến yếu tố thời điểm để tránh lãng phí. Kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong hiên nay mới chỉ đáp ứng 42,19% tổng nhu cầu vốn (đáp ứng 12,69% nhu cầu vốn trong nước và 71,10% nhu cầu vốn nước ngoài).
Với những khó khăn trên, mục tiêu hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho Khu CNC Hòa Lạc vào năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP là hết sức khó khăn.
Quốc hội coi đầu tư cho Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm nhà nước
Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: ông đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của Bộ KH&CN và BQL Khu CNC Hòa Lạc đã vượt qua khó khăn để có được những kết quả rõ nét trong thời gian qua. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển rất tâm đắc và khẳng định sự đồng tình với quan điểm và giải pháp kiên định nhất quán của lãnh đạo Bộ KH&CN và BQL Khu CNC Hòa Lạc khi kiên trì với mục tiêu phát triển thành Hòa Lạc thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội mà của cả khu vực, đáp ứng sự phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Văn Nguyên)
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của Khu CNC Hòa Lạc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Quốc hội coi đầu tư cho Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm nhà nước và sẽ tập trung rà soát lại hệ thống cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ Khu CNC Hòa Lạc như đúng kỳ vọng. Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp mang tính đồng bộ, chiến lược mới giải quyết định bài toán lâu dài và quan trọng hơn là cần có tư duy đổi mới trong quản lý điều hành để có sự đột phá về phát triển- Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Cảm ơn đáp từ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cam kết sẽ quán triệt sâu sắc những ý kiến chỉ đạo trên và mong sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội trong thời gian tới.
Bài: Minh Châu
|