|
|||
Năm 1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103, đánh dấu sự phát triển mới của nền y học nước nhà, đồng thời khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta - chuyên ngành ghép tạng. Ngày 17/11/2017 vừa qua, Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép thận thứ 300. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định trình độ của đội ngũ thầy thuốc mang áo lính, mang lại cơ hội cho những người bệnh suy thận giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy nhiều chuyên ngành y học khác. Chỉ trong 5 năm gần đây, số lượng bệnh nhân ghép thận đã tăng gấp ba so với 20 năm trước đó, có nhiều ngày bệnh viện đã tiến hành ghép 2 đến 3 cặp. Riêng trong năm 2017, bệnh viện đã ghép thận cho gần 60 trường hợp. Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong tuyển chọn, trong mổ lấy thận, rửa thận, ghép thận, trong gây mê hồi sức và điều trị sau ghép mang lại các kết quả tốt. Trong thời gian tới, để chuyên nhành ghép thận ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện Quân y 103 nói riêng tiếp tục phát triển, mang lại kết quả tích cực hơn nữa, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới, phương pháp điều trị mới, tăng cường học tập trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu. Hội nghị khoa học chính là cơ hội để các thầy thuốc có thể trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng. PGS.TS. Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, để có được những thành tựu nổi bật này, ngoài sự nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện còn có sự đóng góp to lớn của việc hợp tác trong nước và quốc tế, trong đó phải kể đến sự giúp đỡ của các bệnh viện (BV) lớn trong cả nước như BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức, BV Trung ương Huế, BV Nhi Trung ương và nhiều bệnh viện khác, cũng như các chuyên gia ghép tạng hàng đầu của các nước như Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác trong triển khai những ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam. Được biết, 25 năm trước (4/6/1992), ca ghép thận đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 cho Thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, Chủ nhiệm Thông tin Quân đoàn 3, bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Người cho thận là em trai ruột 28 tuổi - Vũ Mạnh Toàn. Ngày 20/7/1993, trường hợp ghép thận đầu tiên do các thầy thuốc Việt Nam tự lực tiến hành thành công. Đó là bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, 33 tuổi ở Tuy Hòa, Phú Yên, người cho thận là chị ruột Lê Thị Như 40 tuổi. Đây là ca ghép thận thứ 7 của Bệnh viện Quân y 103 và là ca thứ 9 của Việt Nam. Sau ghép thận, anh Nghiêm đã tốt nghiệp đại học, tham dự Festival những bệnh nhân ghép tạng tại Sidney, Australia (1997), ngoài ra hai vợ chồng đã sinh thêm 1 cháu bé khỏe mạnh và đến nay sức khỏe và chức năng thận ghép của bệnh nhân Nghiêm vẫn ổn định.
Trao bằng khen tặng các tập thể, cá nhân Bệnh viện Quân y 103 có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực ghép thận Để động viên và ghi nhận thành tích về ghép tạng trong những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã tới thăm bệnh viện và các bệnh nhân ghép tạng. Cụm công trình Ghép tạng, trong đó có sự tham gia chính của Bệnh viện Quân y 103 và Học viện Quân y đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Nhà nước cũng đã tặng thưởng nhiều Huân chương cho các thành tích về ghép tạng của Bệnh viện. Đặc biệt, ngày 6-1-2012, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận và Cúp Kỷ lục Việt Nam cho Bệnh viện Quân y 103 là bệnh viện đã tiến hành ghép thận, ghép gan và ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra Bệnh viện đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1989, 2009, 2014); Huân chương Hồ Chí Minh (2015). Ngày 20-5-2017, Bệnh viện là một trong số 12 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hành trình 30 năm Đổi mới của đất nước, góp phần quan trọng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, được tôn vinh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2017- dấu ấn 30 năm Đổi mới”. Tin, ảnh: Bảo Chi - Văn Nguyên |